Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất mở 5 tuyến buýt điện giá vé 3.000 - 7.000 đồng nhằm tăng kết nối các khu dân cư mới, mở rộng mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc đề xuất mở mới 5 tuyến xe buýt điện sau khi cùng nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, hoàn chỉnh lộ trình, điểm dừng đón, trả khách. Thời gian thí điểm 1 năm.
Theo đó Sở Giao thông vận tải cho biết, tại Nghị định 32/2019 quy định về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì các sản phẩm dịch vụ vận tải công cộng tại đô thị (sản phẩm, dịch vụ công ích) phải thực hiện theo hình thức đấu thầu.
“Tuy nhiên, loại hình xe buýt điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có cơ sở để xây dựng và tổ chức đấu thầu theo đúng quy định” - văn bản Sở Giao thông vận tải nêu rõ.
Vì vậy, trên cơ sở đề xuất này, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét chấp thuận chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup - Công ty CP thí điểm thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích đối với năm tuyến xe buýt điện nêu trên.
Xe buýt điện được coi là giải pháp 'xanh' cho tương lai trong việc di chuyển
khi đáp ứng nhu cầu về giao thông và giảm khí thải ra môi trường.
Các tuyến buýt điện gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart, dài 27km); VB02 (Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30km); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, 29km); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới, 8,5km); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị ĐH Quốc gia, 10km).
Dự kiến có 77 xe buýt điện (6,5 tỷ đồng mỗi chiếc) hoạt động trên 5 tuyến. Xe có sức chứa 65 - 70 chỗ (đứng - ngồi), sử dụng năng lượng điện không phát khí thải ra môi trường, hạn chế tiếng ồn.
Giá vé của các tuyến buýt điện được đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt đối với học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 với nhóm khách còn lại, tùy tuyến. Nhà đầu tư kiến nghị các tuyến buýt được trợ giá, theo phương thức đặt hàng để lựa chọn doanh nghiệp khai thác.
Các tuyến buýt này sẽ sử dụng các điểm đầu cuối hiện phục vụ xe buýt gồm: bến xe buýt Sài Gòn; bãi hậu cần số 1; sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia; bến xe miền Đông mới.
Riêng điểm đầu cuối trong khu dân cư Vinhome Grand Park (quận 9) được đề xuất xây dựng bến bãi rộng 2.400m2 với 20 chỗ đậu. Nhà đầu tư cũng xây một depot (nơi sửa, bảo trì) gần 10.000m2 trong khuôn viên Vinhome Grand Park cho xe đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng, sửa chữa.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc mở các tuyến buýt phù hợp với chủ trương phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ. Ngoài ra lộ trình 5 tuyến trên chủ yếu kết nối khu dân cư mới với các điểm công cộng chưa có xe buýt phục vụ nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các tuyến xe buýt hiện hữu. Về để xuất trợ giá phù hợp với các quy định hiện hành.
Về trợ giá, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng tỷ lệ khoảng 44 % là phù hợp. Con số này được tính toán từ số liệu trợ giá trung bình trong 10 năm (2009 - 2019) của các tuyến buýt.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện nay, bộ định mức đơn giá và kinh tế kỹ thuật cho loại hình xe buýt điện chưa có, do đó khi các cơ quan chức năng hoàn tất bộ định mức này sẽ tiến hành đấu thầu tuyến theo quy định sau khi kết thúc thời gian thí điểm.
Hiện toàn TP Hồ Chí Minh có hơn 2.300 xe buýt chạy trên 128 tuyến, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Mạng lưới xe buýt TP phủ khắp 24 quận, huyện, nhưng mới tiếp cận khoảng 55% phường, xã.