Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt và triển khai các quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động của thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đã đạt được một số kết quả nổi bật, đáng khích lệ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kiên trì quan điểm lấy hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, ưu tiên hàng đầu,
thời gian qua, nhiều công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư, xây dựng,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trong ảnh: Nút giao thông khác mức 3 tầng ngã ba Huế.
Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống “Giao thông vận tải - Đi trước mở đường”, thời gian qua, ngành giao thông vận tải thành phố bám sát các chủ trương, quán triệt và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng; Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (ngày 16/1/2012); Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Kiên trì quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại, mở rộng không gian đô thị, kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ và khu vực lân cận. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.440 tuyến đường với tổng chiều dài 1.436,63km (tăng 265,59km so với đầu năm 2015) và 74 cầu với tổng chiều dài 14.961,50 m (tăng 3 cầu với so với đầu năm 2015).
Các công trình giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội thành phố và có ý nghĩa động lực cho cả khu vực như: nút giao thông ngã ba Huế; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh (La Sơn - Túy Loan); tuyến đường vành đai phía nam (Hòa Phước - Hòa Khương); đường Nguyễn Tất Thành nối dài; tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm; đường Mai Đăng Chơn - giai đoạn 2; chỉnh trang, cải tạo các tuyến đường phục vụ tuần lễ cấp cao APEC-2017; cầu số 1 nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Trần Hưng Đạo nối dài; cầu số 2 nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Mai Đăng Chơn; cải tạo nâng cấp các nút giao thông trọng điểm (nút giao thông phía tây sông Hàn; nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương; nút giao phía tây cầu Tiên Sơn và nút Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành - Trịnh Đình Thảo)…
Nhiều công trình với quy mô lớn, kết cấu phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ, vật liệu mới, hiện đại như: nút giao thông ngã ba Huế, bãi đỗ xe thông minh tại số 255 Phan Châu Trinh, hầm chui tại các nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn và nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và nút giao thông khác mức 3 tầng (cầu vượt, hầm chui) tại phía tây cầu Trần Thị Lý đang được triển khai thi công xây dựng...
Về đường hàng không, Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất Việt Nam sau Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Với mục tiêu nhằm để kết nối hiệu quả hơn với các nước trong khu vực với thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải huy động nhà đầu tư triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất tiếp nhận 6 triệu hành khách/năm đáp ứng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC (tháng 11/2017) và nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố...
Hằng ngày, sân bay Đà Nẵng có khoảng 100 chuyến bay hạ cất cánh và khoảng 10.000 khách thông qua nhà ga. Hiện ngành Giao thông vận tải đang tích cực phối hợp Cục hàng không Việt Nam lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3, bảo đảm tổng tiếp nhận của sân bay lên 30 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 100.000 tấn/năm, có khả năng mở rộng đến 200.000 tấn/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.
Về cảng biển, Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), năm 2018, dự án cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) đưa vào khai thác vận hành góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng trở thành cảng container hiện đại trong khu vực và có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUs và tàu khách loại lớn, bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm.
Hiện nay, thành phố khẩn trương xúc tiến triển khai đầu tư Dự án cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA), dự kiến sau khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông hàng hải lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố trong khu vực miền Trung.
Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông
Theo ông Lê Văn Trung, thời gian qua, công tác quản lý vận tải tiếp tục chuyển biến tích cực, góp phần phát triển vận tải, dịch vụ, kiểm soát hoạt động của các phương tiện và duy trì trật tự vận tải trên địa bàn thành phố. Các loại hình và mạng lưới vận tải phát triển mạnh về quy mô cũng như chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân và du khách.
Giai đoạn 2015-2020, khối lượng luân chuyển hàng hóa ước tăng 8,3%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách ước tăng 6,3%/năm và doanh thu vận tải ước tăng 6,6%/năm; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm. Hoạt động vận tải hành khách thủy nội địa có nhiều khởi sắc, sản lượng vận chuyển hành khách đường thủy ước tăng bình quân 54,4%/năm, góp phần đáng kể phát triển du lịch thành phố.
Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, với nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông như: Cải tạo các nút giao thông trọng điểm thành nút giao khác mức; cải tạo, lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao; triển khai nhiều giải pháp tổ chức giao thông như; lắp đặt camera giám sát giao thông và xử phạt vi phạm qua camera…tình hình an toàn giao thông của thành phố ngày càng chuyển biến tích cực, 5 năm liên tiếp, tai nạn giao thông giảm dần trên cả 3 tiêu chí; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Trong những năm đến, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành Giao thông vận tải tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý và nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, dịch vụ; mở rộng liên kết các phương thức vận tải và tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hạ tầng hiện có nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Và, một nỗ lực xuyên suốt của ngành giao thông vận tải thành phố trong thời gian qua và những giai đoạn tiếp theo là không ngừng kiện toàn, hiện đại hóa hệ thống quản lý, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải trong tương lai, góp phần xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.