Do ảnh hưởng của mưa lũ suốt nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng.
Nước dâng cao khiến nhiều xã vùng trên của huyện Kỳ Anh bị ngập lụt cục bộ, một số nơi bị chia cắt do nước lũ.
Đến cuối ngày 19/10, đã có 302 hộ, 1.011 khẩu ở 3 cụm dân thôn Xuân Tiến, Lạc Trung, Lạc Thanh của xã Kỳ Lạc đã bị cô lập, buộc phải sơ tán 155 hộ dân; các tuyến đường vào xã Kỳ Thượng bị ngập lụt, phải sơ tán 59 hộ dân với 196 nhân khẩu; xã Kỳ Sơn có 1 thôn bị chia cắt tạm thời, đồng thời phải sơ tán 10 hộ dân, với 42 nhân khẩu; một số thôn ở xã Kỳ Tây cũng bị chia cắt cục bộ;...
Lở núi bên Tỉnh lộ 551 đoạn đi qua xã Kỳ Phong gây cản trở giao thông
Tình trạng sạt lở diễn ra khá nhiều nơi: tại Km52, trên tuyến Quốc lộ 12C (đoạn tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình) đã xẩy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương khiến các phương tiện giao thông không lưu thông được; đường Sơn - Thượng sạt lở một số điểm; đường 554 bị sạt lở mái taluy dương, chiều dài sạt lở khoảng 100m; đường cứu hộ hồ chứa nước Kim Sơn bị sạt lở mái taluy dương, chiều dài bị sạt lở 20m; một số đường trục xã và đường trục thôn của xã Kỳ Thượng bị sạt lở…
Một số ngầm, tràn tại các xã vùng thượng bị ngập. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, phân công người canh gác để đảm bảo an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Kỳ Anh đã yêu cầu các xã phải kiểm tra, rà soát kỹ lại tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả; rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra, đặc biệt lưu ý đối với các xã Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Tây...
Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi có tình huống xảy ra. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với thời gian ngập lụt kéo dài.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc…
Nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn...