Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những năm qua, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Hằng trăm dự án hạ tầng kinh tế được triển khai và để hoàn thành các dự án thì việc sử dụng phương tiện vận tải san lấp mặt bằng, chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ thi công là điều đương nhiên. Lợi dụng điều đó, ở một số dự án các phương tiện quá tải vẫn lưu thông ngang nhiên và đang phá hủy đường sá, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao.
Để chấm dứt xe vi phạm tải trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 37-CT/TU ngày 10/6/2015 về “tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm soát, xử lý phương tiện ô tô quá tải, quá khổ, vi phạm kích thước thành, thùng xe”, đây là một trong những cách làm quyết liệt của Quảng Ninh trong việc chấm dứt hoạt động của xe cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng. Ngay sau khi Chỉ thị 37-CT/TU được ban hành các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, bước đầu đã hạn chế được tình trạng phương tiện vi phạm chạy thành từng đoàn trên đường gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Đội TTGT số 1 kiểm tra tải trọng phương tiện lưu thông trên QL18 đoạn đi qua địa bàn TX Đông Triều
Tuy nhiên, hiện nay việc chấm dứt hoạt động của các phương tiện vi phạm về kích thước thành thùng, chở quá tải vẫn còn nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh trong 10 tháng năm 2020, lực lượng TTGT, CSGT đã tiến hành xử lý gần 2.000 trường hợp phương tiện chở quá tải, thay đổi kích thước thành thùng xe, phạt gần 4 tỷ đồng, hạ tải 586,8 tấn hàng hoá. Kết quả xử lý vi phạm trên đã cho thấy, dù lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm và rất quyết liệt thế nhưng những chiếc xe chở quá tải trọng vẫn lén lút hoạt động trên cả tuyến quốc lộ và tỉnh lộ gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Trung tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: Các chủ phương tiện luôn có nhiều cách chống đối lại lực lượng chức năng như: Đóng cửa xe bỏ đi, không cầm theo giấy tờ... để kéo dài thời gian, trong khi đó cán bộ, chiến sĩ phải đảm bảo ATGT trên dọc tuyến không thể chờ đợi được. Xe có dấu hiệu vi phạm chở hàng hoá nặng, có muốn kéo về xử lý cũng không thể kéo được, chính vì vậy chúng tôi chỉ có thể chụp ảnh biển kiểm soát phương tiện sau đó báo cho các chốt trạm khác để kiểm tra nếu phương tiện lưu thông tiếp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các phương tiện chở hàng hoá quá tải trọng vẫn hoạt động đó là nhu cầu vận chuyển của các dự án và san lấp mặt bằng của người dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khó có thể kiểm soát hoàn toàn các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ để đảm bảo xe quá tải chấm dứt 100% do lực lượng mỏng, xe vi phạm lại chỉ chờ lực lượng chức năng dời đi là chạy.
Hiện tại cơ quan chức năng cũng đã được bàn giao cân xách tay để kiểm soát tải trọng phương tiện, thế nhưng khi đưa vào vận hành thì lại bộc lộ nhiều lỗi kỹ thuật như: Sai số lớn, không ổn định trong quá trình điều khiển, đòi hỏi phải có mặt bằng rộng... Chính vì vậy, hệ thống cân này chưa thể phát huy được chức năng kiểm soát tải trọng. Cùng với đó, điểm hạ tải của phương tiện vi phạm cũng không có nên cơ quan chức năng còn rất lúng túng với việc này. Thêm vào đó, nhiều xe chở hàng đông lạnh chở quá tải trọng, khi bị phát hiện, cơ quan chức năng không biết gửi hàng ở đâu đành phải lập biên bản cho đi...
Có thể thấy, dù lực lượng chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong việc chấm dứt hoạt động của xe cơi nới, chở hàng hoá quá tải trọng lưu thông tàn phá hạ tầng giao thông, gây mất ATGT. Tuy nhiên, thực tế việc chấm dứt hoạt động của xe vi phạm cũng còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp cơ sở, có như vậy thì mục tiêu chấm dứt hoàn toàn phương tiện quá tải trọng mới thành hiện thực.