Bắc Kạn: Thu hút, huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Thứ năm, 19/11/2020 07:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 05 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài hơn 455km; 13 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng 450km; hơn 29km đường thủy nội địa; đường huyện, đường xã, thôn bản có tổng chiều dài trên 2.115km. Trong những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh thế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Thi công cải tạo, nâng cấp tuyến QL 3B

Giai đoạn năm 2015 - 2020, vốn đầu tư giao cho ngành Giao thông thực hiện khoảng hơn 313 tỷ đồng/năm. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh, cùng nỗ lực phấn đấu để tạo sự chuyển biến, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần ưu tiên phát triển kết cấu về hạ tầng giao thông. Đồng thời, xác định thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quyền Giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Ngọc Thuyết cho biết: Để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành Giao thông tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao nhận thức, tạo sự vào cuộc tích cực, chủ động, đồng bộ của cả hệ thống chính trị về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tập trung phát triển nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng; bám sát hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để có những quyết định đặc thù tạo môi trường, cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư...

Tiếp tục cụ thể hóa các quy hoạch ngành bằng các chương trình hành động, kế hoạch trung hạn, dài hạn, kế hoạch hằng năm,... với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện, chủ động rà soát các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý để kịp thời tham mưu cho tỉnh, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế và gắn với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, để góp phần thuận lợi trong kêu gọi xúc tiến đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác quy hoạch, giám sát việc thực thi quy hoạch.

Trên cơ sở các chính sách đầu tư xây dựng, phân cấp quản lý, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, từ đó tạo ra cơ cấu nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông đa dạng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước, tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tập trung cho các công trình công cộng. Xây dựng các dự án khả thi để tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn tín dụng, vốn vay ưu đãi... Tận dụng tối đa nguồn vốn sự nghiệp chỉ hoạt động kinh tế đường bộ để bảo dưỡng tăng tuổi thọ công trình. Huy động từ các thành phần kinh tế, huy động đóng góp từ các chủ phương tiện, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hảo tâm xây dựng giao thông địa phương.

Huy động từ các tổ chức quốc tế, thông qua các chương trình xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển cho vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại để đầu tư xây dựng các tuyến đường đến các thôn bản, vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xác định đúng định hướng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo từng giai đoạn cụ thể. Khuyến khích cơ chế đầu tư BOT, BT, PPP. Xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết tốt các vấn đề về giải phóng mặt bằng, đền bù, nhất quán hấp dẫn lâu dài và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, để khuyến khích thu hút vốn từ các nhà đầu tư.

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số còn yếu kém hiện nay. Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc Cơ chế một cửa liên thông về đăng ký đầu tư. Đồng thời, tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các giấy phép, các quy định về đầu tư không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí không chính thức cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Bắc Kạn, nhất là về thủ tục thẩm định phê duyệt dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất.

Tăng cường quảng bá, tuyên truyền về môi trường đầu tư, chính sách, tiềm năng và xúc tiến đầu tư vào Bắc Kạn. Tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm cung cấp thông tin về đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư. Cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực như: Du lịch, dịch vụ giao thông vận tải... Bên cạnh đó, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong công tác thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài, mở rộng các hình thức đầu tư như BOT, BT, BTO, PPP nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.../.

kieuanh

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)