Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn

Thứ tư, 25/11/2020 07:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ năm 2015 đến nay, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực từng bước mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường vào trung tâm xã, đường liên xã, liên xóm với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện”.

Tuyến đường liên xóm Bản Bó - Nặm Nguộc,
xã Thái Học (Bảo Lâm) được bê tông hóa

Hiện nay, huyện có 71 tuyến đường ô tô với tổng chiều dài 482 km, trong đó có 2 tuyến đường tỉnh dài 62,6km, 9 tuyến đường huyện dài 174,5km, 244,9km đường xã; có 6 tuyến đường đến trung tâm xã đã cứng hóa, nhựa hóa được 70 km/117 km (đạt 60%); còn lại là đường cấp phối và đường đất. Trên các trục đường giao thông có 30 cây cầu lớn nhỏ với tổng chiều dài cầu 1.120 m, trong đó có 15 cầu treo.

Các tuyến đường xã mới chỉ đầu tư ở mức giao thông nông thôn (GTNT) cấp B và cấp B châm trước, nền đường rộng từ 2,5 - 4m, chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các phương tiện đi lại và lưu thông hàng hóa. Các cầu được đầu tư kiên cố, tuy nhiên toàn huyện còn số lượng cầu treo lớn, chưa đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô, đặc biệt địa bàn huyện Bảo Lâm có sông Gâm ngăn cách nhưng mới có một cầu cứng được xây dựng (cầu Quốc lộ 4c); các xã: Đức Hạnh, Nam Cao, Nam Quang, Tân Việt, Quảng Lâm, Thạch Lâm đi lại qua cầu treo tải trọng 2,5 tấn đã xuống cấp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2015 - 2020, huyện huy động nguồn lực, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng hạ tầng giao thông, qua đó tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình thực hiện, huyện tăng cường công tác quản lý, giám sát, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn xây dựng các công trình. Với chủ trương hỗ trợ xi măng cứng hóa đường nông thôn, đông đảo người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động, vật liệu phát triển mạng lưới GTNT.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2015 đến nay, huyện đầu tư 281,9 tỷ đồng mở mới, cải tạo, nâng cấp 109 công trình GTNT với tổng chiều dài gần 225 km, trong đó, mở mới 9 tuyến đường liên xã, liên xóm dài 33,26km; cải tạo, nâng cấp 191,6km đường huyện, liên xã, liên xóm.

Ngoài ra, làm đường bê tông xi măng theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, giai đoạn 2016 - 2020, huyện hỗ trợ hơn 1.500 tấn xi măng trị giá 9,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5.640 ngày công lao động, hiến hơn 10.000 m2 đất bê tông hóa 112 tuyến đường xóm, đường nội đồng rộng từ 1,5 - 3,5m, tổng chiều dài 45,8km. Đến cuối năm 2019, 100% xã có đường ô tô, trong đó có 10/13 xã, thị trấn có đường được nhựa hóa hoặc bê tông đến trung tâm xã; 162/196 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm.

Nam Quang là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, địa hình chia cắt nên việc phát triển GTNT gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, phong trào xây dựng hạ tầng GTNT đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Nam Quang Mã Văn Vừ phấn khởi chia sẻ: Với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp công sức, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã, xóm, hiện toàn xã có 6 km đường xã, đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 21 km đường xóm được cứng hóa. Xã phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xóm có đường, trong đó trên 70% xóm có đường bê tông.

Huyện Bảo Lâm tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia làm đường GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án để hoàn thiện các công trình giao thông trên địa bàn…

Phấn đấu đến năm 2025, 100% tuyến đường đến trụ sở các xã của huyện được cứng hóa, 88%  xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm, tăng thêm 10 xóm có đường ô tô; 50% đường làng, ngõ xóm không bị lầy lội trong mùa mưa, trong đó trên 40% được cứng hóa mặt đường, trục đường từ trung tâm các xã đến các xóm đi lại được 4 mùa.

 

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)