Hà Nội: Gia tăng áp lực giao thông dịp Tết

Thứ năm, 17/12/2020 09:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Âm lịch 2021 và Lễ hội Xuân Tân Sửu đang gần kề, Hà Nội có thể đối diện với nỗi lo ùn tắc giao thông (UTGT) tăng vọt.

Xem xét tổ chức giao thông

Những ngày cuối năm là thời điểm áp lực giao thông trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, đặc biệt tại khu vực nội thành, cửa ngõ gia tăng mạnh mẽ do nhu cầu đi lại của người dân cao gấp nhiều lần trong năm. Vừa qua, nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng như cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Vành đai 3 dưới thấp và trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… góp phần tích cực giảm thiểu áp lực giao thông cho khu vực trung tâm TP.

Bên cạnh những nỗ lực mở rộng đường sá, điều chỉnh tổ chức giao thông, vẫn còn đó những tồn tại, bất cập là nguyên nhân gây UTGT thường xuyên, cũng như đột biến cho Hà Nội. Theo báo cáo của Ban ATGT TP, từ năm 2016 đến nay, TP đã xử lý được 63 điểm UTGT. Tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh, các công trình trọng điểm trong quá trình thi công làm hạn chế lòng đường, dẫn đến phát sinh mới 49 điểm UTGT cần tiếp tục tập trung xử lý.

Ùn tắc giao thông trên đường Võ Chí Công vào giờ cao điểm.

Trên thực tế, một số tuyến đường, khu vực vẫn luôn thường trực trong nỗi lo tắc đường như: Cửa ngõ phía Nam; Vành đai 3; đường Giải Phóng; Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Hà Nội hiện mới chỉ có Vành đai 3 tương đối hoàn chỉnh, kéo dài từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến cầu Thăng Long. Do đó, lưu lượng giao thông nội bộ cũng như quá cảnh chủ yếu tập trung vào đây, gây áp lực rất lớn”. Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, mỗi ngày có tới 120.000 lượt xe lưu thông qua Vành đai 3, cao gấp 8 lần khả năng đáp ứng; do đó, tình trạng UTGT, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết là khó tránh khỏi.

Các tuyến đường có vai trò quan trọng với giao thông nội bộ của Hà Nội như Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến; Nguyễn Trãi - Trần Phú; Lê Văn Lương - Tố Hữu; Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu; Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương…, lưu lượng phương tiện ngày càng lớn. Trong khi đó, công tác tổ chức giao thông trên một số tuyến được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa tối ưu, khiến hàng loạt điểm “đen” UTGT tồn tại kéo dài. Trong dịp cao điểm Tết sắp tới, đây có thể là những khu vực “nóng” nhất về giao thông, gây ùn tắc và bức xúc trong dư luận Nhân dân.

Quyết liệt xử lý xe khách vi phạm

Một vấn đề cũng được xem như “căn bệnh mãn tính”, làm trầm trọng thêm rất nhiều áp lực giao thông trong dịp Tết của Hà Nội, đó là vấn nạn xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình, xe “rùa bò”. Bất cứ khung giờ nào, kể cả giờ cao điểm hàng ngày, xe khách tuyến cố định đội lốt xe hợp đồng, đi sai luồng tuyến vận tải, dừng đỗ, đón trả khách tuỳ tiện xuất hiện nhan nhản trên nhiều trục đường chính, đặc biệt quanh khu vực các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa.

Dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, lượng xe cá nhân lưu thông dày đặc hơn, tác hại từ hàng nghìn chiếc xe khách vi phạm lại càng nghiêm trọng hơn. Mặt khác, nhu cầu đi lại liên tỉnh trong dịp này cũng tăng vọt, khiến xe khách càng “liều lĩnh” vi phạm hơn, len sâu vào phố phường trung tâm đón khách, khiến nguy cơ UTGT càng nghiêm trọng. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Nhiều tuyến đường dù bất đắc dĩ vẫn phải tiếp nhận xe khách lưu thông hàng ngày như Trần Phú, Tố Hữu, Nguyễn Xiển, Giải Phóng... Bên cạnh đó, lượng xe khách trá hình hàng nghìn chiếc đang hoành hành khắp 12 quận trung tâm là nỗi lo rất lớn của Hà Nội. Nếu lực lượng chức năng không quyết liệt, nghiêm túc xử lý vi phạm, UTGT do loại hình này sẽ tăng mạnh dịp Tết”.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016 - 2020 và Năm ATGT 2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2021. Đặc biệt lưu ý công bố và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày, số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý vi phạm trật tự, ATGT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)