Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến thanh, thiếu niên. Trong đó, nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi; ý thức và hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ còn hạn chế.
Thường trực nguy hiểm
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối và xe máy điện mà không cần có giấy phép lái xe. Thế nhưng, hằng ngày, tại nhiều trường THCS, dễ dàng nhìn thấy học sinh điều khiển loại phương tiện này tới trường. Tốc độ của xe máy dưới 50 phân khối, xe máy điện có thể lên đến 50km/h, trong khi ở độ tuổi học sinh, các em chưa có kỹ năng xử lý tình huống dẫn tới nguy cơ va chạm, tai nạn cao.
Công an huyện Yên Dũng kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT trong học sinh.
Chị Nguyễn Thị Hường ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cho biết: “Học sinh đi xe máy, xe máy điện trên địa bàn rất nhiều. Tình trạng vượt đèn tín hiệu, không đội mũ bảo hiểm cũng thường thấy ở đây. Tôi vài lần suýt ngã vì bị học sinh đi xe máy điện tạt đầu chuyển hướng”.
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ TNGT thương tâm mà nạn nhân là học sinh. Đơn cử, chiều 14/12, tại ngã ba giao cắt giữa Tỉnh lộ 293, đoạn qua thôn Xuân, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) với đường đi xã Thái Đào (Lạng Giang) xảy ra vụ va chạm giao thông làm hai học sinh lớp 9 thương vong. Trong đó, nạn nhân tử vong là em Phí Văn H (SN 2006, người điều khiển phương tiện), trú tại thôn Tân Độ, xã Tân Liễu (Yên Dũng).
Trước đó, vào trưa 3/12, tại Quốc lộ 17, đoạn thuộc thôn Hoàng Long, xã Tân Hiệp (Yên Thế), xe mô tô BKS 98AL-015.59 do DĐH (SN 2003), trú tại tổ dân phố Liên Tân, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) điều khiển chở theo một nam thanh niên bằng tuổi đã xảy ra va chạm với ô tô cùng chiều, khiến H tử vong tại chỗ. Cả hai vụ tai nạn trên người cầm lái đều chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 1.500 vụ TNGT làm chết 720 người, bị thương gần 1.300 người. Trong đó, độ tuổi dưới 18 là 226 người; độ tuổi từ 18-27 là 644 người. Nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn là đi sai làn đường, phần đường, tránh vượt sai quy định, vượt quá tốc độ, uống rượu bia khi tham gia giao thông...
Những vụ TNGT xảy ra mà nạn nhân là thanh, thiếu niên đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người thân trong gia đình. Đã một tháng trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ TNGT khiến CQH (SN 2003), trú tại thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) tử vong, mẹ của nạn nhân luôn dằn vặt bởi đã đưa xe máy cho con dù biết con mình chưa có giấy phép lái xe. Trước đó, đêm 24/11, CQH điều khiển xe máy đi hướng Lục Ngạn – Sơn Động đã lao vào phương tiện cùng chiều và tử vong sau đó.
Quản chặt từ gia đình
Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý hàng nghìn trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm quy định về ATGT. Hành vi vi phạm chủ yếu là lái xe khi không đủ tuổi theo quy định; ý thức chấp hành khi tham gia giao thông kém như chở quá số người quy định, luồn lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm...
Tại huyện Sơn Động, trước tình trạng học sinh vi phạm quy định về ATGT có xu hướng gia tăng nhằm chấn chỉnh ý thức, ngăn ngừa vi phạm, Công an huyện đã tiến hành kiểm tra tại một số trường học có nhiều học sinh đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối và xe máy trên 50 phân khối. Qua đó, đơn vị phát hiện nhiều trường hợp điều khiển phương tiện khi chưa đủ các điều kiện theo yêu cầu như: Không lắp BKS, không có giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện, đục bô xe, không có gương, lắp đèn pha, dán đề can che biển số.
Được biết, nhằm ngăn ngừa tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, hằng năm, lực lượng công an phối hợp với các nhà trường yêu cầu gia đình ký cam kết không vi phạm quy định về ATGT và giám sát, quản lý phương tiện của học sinh khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm.
Để hạn chế các vụ TNGT xảy ra với đối tượng là thanh, thiếu niên, nhất là học sinh rất cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giám sát, quản lý phương tiện của các em khi tham gia giao thông. Vấn đề đáng lưu ý là các bậc phụ huynh tuyệt đối không giao xe máy cho con em sử dụng khi chưa đủ điều kiện; đồng thời thường xuyên, giáo dục con em mình về các quy định khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, để những cam kết ATGT không chỉ "ở trên giấy" dẫn đến giảm tác dụng răn đe khiến học sinh “nhờn” luật cũng rất cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía nhà trường và xử lý nghiêm khắc đối với những học sinh điểu khiển phương tiện khi không đủ điều kiện.
Ngành công an cần tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp này, đồng thời gửi thông báo và phối hợp với nhà trường, gia đình giáo dục học sinh chấp hành tốt quy định.