Từ một góc bờ ao, đất thổ cư đến tường rào, cây cối, thậm chí là một góc công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi…, bà con đều sẵn sàng tháo dỡ để làm đường. Phần lớn đất để mở rộng các trục đường từ liên xã đến ngõ xóm đều do chính người dân tự nguyện hiến đất.
Tuyến đường dẫn vào cầu Cổ Phúc được thi công
đảm bảo tiến độ khánh thành công trình đúng ngày 1/1/2021
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư; trong đó, những tuyến đường bê tông liên xã, liên thôn được nối dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngay từ khi thực hiện XDNTM, huyện Trấn Yên đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn làm khâu đột phá trong cả quá trình. Vì vậy, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng, đường giao thông, đó là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều xã đã chủ động, linh hoạt, huy động nguồn lực đầu tư phù hợp điều kiện cụ thể để thực hiện nên đã huy động được sự tham gia của người dân và toàn xã hội. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư tăng cả về số lượng, chất lượng.
Đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ, nghe những câu chuyện về phong trào làm giao thông nông thôn của xã Kiên Thành, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi phần lớn đất để mở rộng các trục đường từ liên xã đến ngõ xóm đều do chính người dân trong xã tự nguyện hiến đất. Từ một góc bờ ao, đất thổ cư đến tường rào, cây cối, thậm chí là một góc công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi…, bà con đều sẵn sàng tháo dỡ để làm đường.
Đồng chí Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: "Ngày trước, khi đi vào các khu dân cư, đường sá gặp nhiều khó khăn vì đường đất gập gềnh, mùa mưa xe trơn trượt bánh, đặc biệt là những tuyến đường đến các thôn: Đồng Ruộng, Khe Rộng, Đồng Phay được biết đến là những tuyến đường xấu nhất huyện. Nhưng giờ đã khác rồi! Các thôn, xóm đều có đường bê tông vào đến từng ngõ, không còn cảnh lầy lội nữa. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, trên 80% đường giao thông liên thôn, liên xóm ở xã đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa, bà con nông dân phấn khởi lắm!”.
Tuyến đường liên xã từ quốc lộ 37 (Km 6 xã Lương Thịnh) đi Cầu Rào (xã Quy Mông) được đầu từ nâng cấp năm 2020, có chiều dài 9,2km thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp 4, bề rộng mặt đường trải nhựa 3,5m với tổng giá trị 20 tỷ đồng.
Đây là công trình trọng yếu để chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, công trình này đã được sự ủng hộ cao của chính quyền và nhân dân các xã để giải phóng mặt bằng; hàng trăm hộ dân ở các xã: Lương Thịnh, Y Can, Quy Mông đã hiến gần 4,2 ha đất, tự tháo dỡ các vật kiến trúc, cây cối để mở rộng tuyến đường.
Ông Đinh Khắc Huyên - Bí thư Đảng ủy xã Lương Thịnh chia sẻ: "Do được sự đồng thuận cao của người dân, nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công rất thuận lợi. Giải phóng mặt bằng đến đâu là các hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bồi thường. Tuy nhiên, để nhân dân đồng thuận, chúng tôi xác định là mọi việc làm đều phải phù hợp với ý muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Có như vậy, phong trào hiến đất ở các khu dân cư mới nhận được sự hưởng ứng của tất cả người dân”.
Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên và đây là xã có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn.
Năm 2011, bước vào xây dựng NTM, xã Hồng Ca chưa có tuyến đường nào được kiên cố hóa nên giao thông đi lại hết sức khó khăn. Sau 9 năm, nhờ các ngồn vốn đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các nguồn hỗ trợ XDNTM và sự đóng góp công sức, tiền, vật liệu và hiến đất của người dân, đến nay, hệ thống đường giao thông của xã phát triển vượt bậc. Trong đó, 11 km đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa (tỷ lệ 100%); gần 90% đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, trên 70% đường ngõ xóm được bê tông (đạt tỷ lệ 73,8%).
Đồng chí Phạm Xuân Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca cho biết: "Xác định hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xã đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực của nhân dân trong việc đóng góp công sức, tiền của và tình nguyện hiến đất làm đường”.
Năm 2011, mạng lưới đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Trấn Yên chưa hoàn chỉnh về mật độ, cấp hạng kỹ thuật. Nhiều công trình cầu, cống và nhiều tuyến đường sau nhiều năm đưa vào khai thác đã xuống cấp. Hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã, các tuyến đường nối tới các thôn, bản và khu đông dân cư còn thiếu.
Cụ thể, đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được kiên cố hóa chiếm 60,4%; 33,4km đường liên thôn, trục thôn được bê tông hóa (đạt tỷ lệ 9,6%; đường ngõ xóm được bê tông hóa 8,55km, đạt tỷ lệ 2,3%...
Với phương châm cứng hóa đường giao thông nông thôn là đòn bẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân, những năm qua, huyện Trấn Yên tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; trong đó, có cứng hóa bằng việc trải thảm nhựa, bê tông xi măng đường giao thông liên xã, liên thôn, xóm và nội đồng. Vận động nhân dân cùng làm với phương châm "Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, nhân dân hiến đất, công lao động”.
Điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn ở Trấn Yên là người dân đã đồng thuận hiến đất mà không hề toan tính thiệt hơn. Thậm chí, rất nhiều nông dân đều là những hộ nghèo, thu nhập thấp nhưng họ vẫn sẵn sàng hiến đất vì những lợi ích cộng đồng. Những con đường trước đây chỉ 1 - 2m giờ đã được mở rộng 7 - 8m.
Những con đường mới từ sức dân đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế và cũng là tiền đề cho phong trào làm giao thông nông thôn của huyện phát triển mạnh.
Đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được 785km đường giao thông. Sau 5 năm thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 các địa phương trong huyện đã thực hiện kiên cố hóa được hơn 270 km đường giao thông, với tổng kinh phí thực hiện trên 400 tỷ đồng; trong đó, đóng góp của người dân hơn 70 tỷ đồng; ngoài ra, người dân còn hiến trên 90.000 m2 đất và hơn 40.000 công lao động…
Đặc biệt, mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân như: công trình cầu Cổ Phúc vượt sông Hồng; đường nối nút giao IC12 (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) với xã Việt Hồng; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Âu Lâu - Quy Mông; đường Hòa Cuông - Tân Hương; đường Kiên Thành - Quy Mông; đường quốc lộ 37 đi cầu Rào (xã Quy Mông)…
Đồng chí Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Để có được những kết quả trên, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực hiện tuyên truyền, rà soát, đánh giá cụ thể từng xã và phân loại đường để lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, của huyện và huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông. Bên cạnh đó, huyện đã huy động sự đóng góp của người dân để hiến đất, góp công lao động để thực hiện duy tu các tuyến đường đảm bảo cho xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…”.
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Trấn Yên có kế hoạch tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp, mở mới đường liên thôn, liên xã, đường lâm nghiệp tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế rừng, trong đó có các mô hình kinh tế trang trại... Phát triển giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương.
Thời gian tới, bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Trấn Yên tiếp tục phát huy nội lực, huy động sự chung tay đóng góp của nhân dân để tiếp tục phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Tập trung đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường "Sáng - xanh - sạch - đẹp”; qua đó, để người dân không chỉ nhận thức rõ hơn về ý thức, trách nhiệm của bản thân trong giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ cảnh quan môi trường sống mà còn góp phần tích cực xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương.