Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch nhằm phát triển hệ thống giao thông đường thủy, vốn là thế mạnh của địa phương, nhưng chưa được khai thác tốt để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, mạng lưới đường thủy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xen kẽ và dày đặc trong nhiều khu vực nội và ngoại thành, hình thành các trục giao thông đường thủy kết nối từ trung tâm về các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc ra ngoại vi và đi đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh lân cận và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ngoài việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp, cải tạo thì ngành Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết nối hệ thống giao thông đường thủy với các tỉnh, thành phía Nam, góp phần phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch đường thủy.
Bước vào đầu năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu (bắt đầu từ ngày 4/1/2021). Đây là tuyến phà biển đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Ông Lê Văn Phi (ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) phấn khởi nói: “Trước đây, khi di chuyển bằng đường bộ thì mất khoảng 3 giờ đồng hồ mới đến được Vũng Tàu, nay chỉ cần khoảng 30 phút đi phà là tới”.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhằm tăng kết nối vùng thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phía Nam, năm 2021, ngành Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển tuyến vận tải hành khách từ thành phố đi Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Song song đó, nghiên cứu, khảo sát và mời gọi nhà đầu tư triển khai khai thác tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch kết nối với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo - sông Tiền. Ngoài ra, nhằm tăng kết nối vùng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, thành phố sẽ thông qua 5 tuyến đường thủy nội địa gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây), Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Thị Vải, Bến Súc và Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông). Đối với hướng về các tỉnh Tây Nam Bộ cũng có 5 tuyến gồm: Duyên hải thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau và tuyến ven biển đến Kiên Giang, Hà Tiên, Kiên Lương và Cà Mau.
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với việc phát triển du lịch đường thủy. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển du lịch đường thủy thời gian tới, thành phố đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến du lịch tầm ngắn và đang dần hoàn chỉnh phục vụ khách gồm tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; tuyến du lịch đi các quận 5, 6, 7, 8...
Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 30 năm tới, thành phố cần hơn 21.000 tỷ đồng đầu tư đồng bộ hệ thống đường thủy nội địa nhằm phát huy tối đa lợi thế loại hình này mang lại. Trong đó, giai đoạn 2020-2030, thành phố sẽ thực hiện 72 dự án đường thủy với tổng quy mô hơn 370km.