Hòa Bình: Tăng cường quản lý, bảo vệ KCHT giao thông đường bộ

Thứ hai, 01/02/2021 09:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với sự phát triển về KT-XH của tỉnh, trong những năm qua, mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp cả về chiều dài và quy mô kỹ thuật. Hiện, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 10.680 km đường bộ, trong đó, quốc lộ (QL) hơn 320 km/7 tuyến, đường tỉnh gần 435 km/21 tuyến, đường huyện khoảng 770 km/71 tuyến...

Trên tuyến quốc lộ 6 qua địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được đầu tư các đường cứu nạn, góp phần giảm tai nạn giao thông trên tuyến. (Ảnh chụp tại khu vực dốc Cun).

Để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhất là vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, 2/9. Hàng năm, Ban ATGT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo lực lượng chức năng, các địa phương yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đối với các công trình thi công trên đường đang khai thác, yêu cầu nhà thầu tổ chức thi công gọn gàng, dứt điểm từng hạng mục; bố trí đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn giao thông và thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; bố trí lực lượng, thiết bị thường trực để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông tuyệt đối an toàn, thuận lợi.

Những năm qua, Sở GTVT Hòa Bình đã triển khai trên 120 công trình giao thông, không để xảy ra vụ tai nạn nào trên công trường. Cục Quản lý đường bộ I triển khai xử lý 7 điểm đen về ATGT, đồng thời cho thi công xây dựng đường cứu nạn trên tuyến QL6. Đặc biệt, đã xử lý vị trí điểm đen tại km134 QL6, ngã ba Đồng Bảng (Mai Châu).

Thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg, ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), đường sắt giai đoạn 2014 - 2020, Quyết định số 2080/QĐ-UBND, ngày 15/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh  Hòa Bình về ban hành Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh phối hợp các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATĐB.

Đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết: Ra quân xử lý các vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, HLATĐB được tăng cường. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng đã góp phần kéo giảm tình trạng phương tiện ngang nhiên chở hàng quá tải trên các tuyến đường. Sở GTVT đã chủ động tham mưu tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB). Trong 5 năm qua, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Bộ GTVT xử lý gần 50 vị trí điểm đen TNGT trên phạm vi của tỉnh, nhất là trên tuyến QL6, đường Hồ Chí Minh, QL21, QL12B, các tuyến đường tỉnh... góp phần kiềm chế TNGT. Đặc biệt trên tuyến QL6 qua địa bàn tỉnh, Bộ GTVT đã đầu tư cải tạo, mở rộng tầm nhìn, đầu tư các đường lánh nạn, góp phần giảm TNGT trên tuyến.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giao thông đường bộ và các quy định có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ KCHTGTĐB, UBND tỉnh đã ra các quyết định ban hành quy định, quy chế, cũng như ban hành kế hoạch về quản lý, bảo vệ, phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ KCHTGTĐB đối với các tuyến đường.

Nổi bật, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 8/10/2019 của UBND tỉnh Hòa Bình về đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện và bảo vệ KCHTGTĐB trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT Hòa Bình đã tổ chức kiểm tra đối với 57 đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa; lập biên bản VPHC đối với 75 trường hợp, xử phạt 163,5 triệu đồng. Lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp lực lượng chức năng thuộc Cục Quản lý đường bộ I tổ chức 9 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng quá khổ, quá tải tham gia giao thông trên QL6 và đường Hồ Chí Minh. Qua đó, lập biên bản VPHC 164 trường hợp, phạt hơn 1.189 triệu đồng, tước GPLX có thời hạn 44 trường hợp. Tổ chức hoạt động liên tục 24/7 đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại km 450+608 thuộc khu vực ngã ba Chợ Bến (Lương Sơn) trên tuyến đường Hồ Chí Minh, lập biên bản VPHC 189 trường hợp, phạt trên 1 tỷ đồng, tước GPLX có thời hạn 71 trường hợp. Đồng thời, lực lượng Thanh tra giao thông chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường sử dụng các bộ cân tải trọng lưu động để kiểm tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Kết quả, đã lập biên bản VPHC 401 trường hợp, phạt gần 2.350 triệu đồng, tước GPLX có thời hạn 126 trường hợp.

Đối với lực lượng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tiến hành kiểm tra 1.100 lượt phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải. Qua đó, lập biên bản VPHC 116 trường hợp, tước GPLX có thời hạn 86 trường hợp. Lực lượng CSGT các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về chở hàng quá tải; kết quả đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phối hợp lực lượng chức năng, nhất là Thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi về bảo vệ KCHTGTĐB, như: Đào, đắp, san lấp mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ và HLATĐB; xây dựng nhà kiên cố, công trình tạm, tường bao... trong phạm vi HLATĐB. Theo đó, riêng lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình đã phát hiện, lập biên bản VPHC 66 trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ KCHTGTĐB.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT Hòa Bình, việc kiểm soát tải trọng phương tiện và vấn đề KCHTGT còn những hạn chế. Trong đó, tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến giao thông trọng điểm như QL6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - Hòa Bình còn diễn biến phức tạp; những xe vi phạm cơi nới thành thùng chưa được xử lý triệt để. Một số nơi, sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện chưa cao trong việc xử lý chở hàng quá tải. Công tác kiểm soát tải trọng tại vùng nhập hàng chưa hiệu quả, điển hình như ở các mỏ khai thác đá, nguyên vật liệu...

Để thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT và bảo vệ KCHTGT trong thời gian tới, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình đề nghị: UBND tỉnh xem xét phê duyệt Chiến lược đảm bảo TTATGTĐB trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2060, ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ban ATGT tỉnh, các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể tiếp tục thực hiện các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp. Các lực lượng chức năng cần xử lý thường xuyên, quyết liệt những vi phạm của xe quá tải thuộc thẩm quyền. Đặc biệt là tập trung xử lý xe chở hàng quá thành thùng, xe cơi nới thành thùng. Trong đó, Thanh tra giao thông tập trung xử lý vi phạm khu vực đầu nguồn hàng. CSGT tăng cường xử lý vi phạm trên tuyến đường. Lực lượng cấp huyện xử lý các lỗi vi phạm về hàng cao quá thành thùng. Đề nghị Sở TN&MT phối hợp Sở GTVT định kỳ xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng phương tiện. Trường hợp cơ sở khai thác mỏ để tái vi phạm về bốc xếp hàng hóa quá tải trọng, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh dừng hoạt động khai thác có thời hạn. Nếu có giải pháp mạnh sẽ góp phần kiểm soát tình trạng xe quá tải ngay từ đầu nguồn hàng…

toanld

Nguồn: Báo Hòa Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)