Bến phà tạm Rạch Miễu đi vào hoạt động sau 12 năm vắng bóng. Phà Rạch Miễu khi xưa và cầu Rạch Miễu hiện tại có nhiệm vụ then chốt phục vụ người dân trong tỉnh đi lại, giao thương. Ngày nay, Bến phà tạm Rạch Miễu có sứ mệnh “tiếp sức” với cầu Rạch Miễu, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân được thông suốt, an toàn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Giảm áp lực cho cầu
Hiện nay, mỗi ngày đêm có khoảng 19 ngàn lượt ô tô các loại qua cầu Rạch Miễu. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật tăng lên hơn 20 ngàn lượt. Trong khi đó, theo thiết kế cầu Rạch Miễu chỉ cho 6 ngàn lượt phương tiện qua lại/ngày đêm. Ghi nhận từ những chuyến phà đầu tiên, người dân Bến Tre thể hiện sự hân hoan, phấn khởi như trút được một áp lực khi nghĩ tới cảnh xếp hàng dài qua cầu Rạch Miễu.
Tiếng còi phà reo lên, chuyến phà đầu tiên đạp nước di chuyển từ bờ xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre) qua bờ phía xã Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang) trong 10 phút. Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Trịnh Văn Y chia sẻ: “Mật độ xe cộ đi lại từ Bến Tre đến TP. Hồ Chí Minh rất lớn, kẹt xe liên tục là không tránh khỏi. Tôi rất mừng vì phà này sẽ giải quyết ùn tắc. Nay 12 năm, tôi mới lại đi phà Rạch Miễu, dù đây là phà tạm nhưng sẽ phục vụ rất tốt trong mùa xuân này và lịch sự đưa đón khách qua sông”.
Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho rằng, phà đưa vào hoạt động giảm tải cầu Rạch Miễu. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đỡ vất vả khi điều tiết giao thông. Đây là niềm phấn khởi đối với lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và người tham gia giao thông nói chung, góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể tại cầu Rạch Miễu. Các hướng đi vào Bến phà tạm Rạch Miễu có bảng hướng dẫn. Khi không có ùn tắc giao thông thì người dân được quyền chọn đi phà hay qua cầu. Khi có ùn tắc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đứng ở 3 trạm điều tiết hướng dẫn người dân đi bến phà tạm.
“Trên địa bàn huyện Châu Thành, Bến phà tạm Rạch Miễu không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cầu Rạch Miễu (nằm trên địa bàn huyện), mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại hai Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp vận chuyển hàng hóa thông suốt, kịp thời giải quyết các đơn hàng, các hợp đồng thương mại, góp phần phát triển kinh tế và thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn ở xã Phú Túc”, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho hay.
Giá thu bằng phí qua cầu
Ngày 22/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chủ trì cuộc họp thống nhất kế hoạch phố́i hợp điều tiết giao thông trên tuyến quốc lộ (QL) 60, cầu Rạch Miễu, Bến phà tạm Rạch Miễu với các ngành trong tỉnh. Các đại biểu dự họp thống nhất: Giá thu các loại phương tiện tham gia giao thông tại Bến phà tạm Rạch Miễu thu bằng mức thu tại Trạm thu phí cầu Rạch Miễu, có thu thêm phương tiện xe 3 bánh. Các phương tiện được trạm thu phí cầu Rạch Miễu miễn thì̀ bến phà tạm cũng miễn, kể cả phương tiện có vé tháng. Người đi bộ và xe máy sẽ được miễn phí khi qua phà.
Bến phà tạm Rạch Miễu hoạt động đưa hành khách sang sông Tiền
Năm 2009, phà Rạch Miễu đã ngưng hoạt động sau hơn nửa thế kỷ hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa khách qua sông Tiền. Thay vào đó, cầy cầu Rạch Miễu trên QL.60 nối liền hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang được xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác. Sau 12 năm ngưng hoạt động, phà tạm Rạch Miễu tái xuất với nhiệm vụ “tiếp sức” với cầu Rạch Miễu, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân được thông suốt, an toàn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Bến phà tạm Rạch Miễu đi vào hoạt động, góp phần giảm ùn tắc giao thông tuyến QL.60 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngành giao thông tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với ngành chức năng tỉnh Bến Tre để điều hòa, đảm bảo an toàn giao thông cho bến phà đi vào hoạt động.
Trong ngày đầu tiên trở lại nghề sau nhiều năm chuyển qua làm tài xế xe ba gác, thuyền trưởng Lê Công Toàn cầm vô lăng lái phà tạm Rạch Miễu Z-100 không giấu được sự xúc động qua giọng nói: “Trong lòng tôi thấy dâng trào cảm xúc của ngày xưa, ngày mà các bến phà còn hoạt động. Tôi yêu nghề lái phà lắm. Niềm vui của chúng tôi là được đưa đón khách qua sông, khách đi làm ăn, khách về quê ăn Tết”.
Vui sướng nhất vẫn là người dân Bến Tre, một trong những hành khách đầu tiên (đi xe máy) qua phà là anh Nguyễn Thanh Sang, ngụ ấp Phú Hòa, xã Quới Thành, huyện Châu Thành cho biết: “Bến phà này tiện lợi cho người dân, nếu đi cầu Rạch Miễu thì phải đi đường vòng, bình thường đi đò thì phải tốn phí. Tôi có lái xe tải 3,5 tấn, ngày thường muốn qua cầu phải mất 30 phút tới 1 tiếng từ Trạm thu phí cầu Rạch Miễu để qua cầu. Do có quá nhiều phương tiện qua cầu, đợi chờ rất mệt mỏi. Gặp thứ Bảy, Chủ nhật, muốn qua cầu phải mất nhiều tiếng vì cầu Rạch Miễu chỉ có 1 làn xe, xe lớn phải bò qua, nên xe dưới chân cầu bị ùn ứ ngày càng nhiều, nhất là từ khoảng 15 - 19 giờ, các phương tiện từ khu công nghiệp, xí nghiệp ra nhiều lắm nên ùn tắc nghiêm trọng lắm. Đường đi của bến phà tạm thông ra các đường lớn cũng tiện hơn nhiều so với đi đường cầu Rạch Miễu”.