Trên các công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô: Thi công sôi động, chống dịch nghiêm túc

Thứ hai, 08/02/2021 08:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dù đã là những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 song không khí lao động trên các công trường giao thông trọng điểm của Thủ đô vẫn khá sôi động. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cùng máy móc luôn chủ động công việc nhằm bảo đảm tiến độ chung của dự án. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được quán triệt và triển khai nghiêm túc đến từng người lao động.

Công trường thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Bám sát tiến độ kế hoạch

Ngày 4/2, tức 23 tháng Chạp năm Canh Tý, công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 rộn rã tiếng máy. Khoảng 40 cán bộ, kỹ sư và công nhân đang miệt mài làm việc. Máy xúc, máy cẩu, máy khoan, máy ép cọc nhồi làm việc hết công suất... Ông Đỗ Việt Thắng, Giám đốc điều hành của nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đảm trách thi công gói thầu 05/VT2-XL cho biết, ngay sau lễ khởi công (ngày 9/1/2021), nhà thầu đã huy động nhân lực, máy móc, tổ chức thi công 3 ca liên tục. Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công 39/66 cọc khoan nhồi, vượt tiến độ so với kế hoạch. Dự kiến việc thi công cọc sẽ kết thúc trong tháng 3-2021, sau đó chuyển sang thi công phần thân, bệ, trụ... Sau ngày 9/2 (tức 28 tháng Chạp năm Canh Tý), công trường sẽ nghỉ Tết và ra quân trở lại vào ngày 17/2, tức mùng 6 Tết Tân Sửu.

Đề cập tới công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường, thợ lái máy khoan Phí Quang Hưng chia sẻ: “Trong công trường có đầy đủ nước sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt. Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc "5K" (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Bếp ăn được tổ chức thay vì ra ăn hàng quán bên ngoài để bảo đảm an toàn. Bữa ăn cũng chia theo ca, không tập trung đông người”.

Tại gói thầu số 8, gói thầu xây lắp chính của dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, các nhà thầu đang tập trung di chuyển công trình ngầm, nổi. Ở phía đường Tố Hữu, hạng mục xén hè mở rộng mặt đường cũng đang được triển khai. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ phụ trách hiện trường của nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 cho biết, dự án phải di chuyển các đường điện cao thế, trung thế, đường ống cấp nước, thoát nước... Khâu di chuyển công trình ngầm, nổi này rất phức tạp, dự kiến chiếm khoảng một nửa thời gian thi công dự án. Khó khăn nhất là triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa phải bảo đảm an toàn giao thông nên hầu hết công việc phải làm vào ban đêm, đến sáng hoàn trả mặt bằng để nhân dân đi lại.

Tại đây, công tác phòng, chống dịch cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm. Sau ngày 27 tháng Chạp năm Canh Tý (tức ngày 8/2), công trường tạm nghỉ Tết và tới mùng 6 tháng Giêng năm Tân Sửu sẽ hoạt động trở lại. Cùng với đó, công trường phải được dọn dẹp bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Nâng cao chất lượng quản lý dự án

Trong những ngày giáp Tết này, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô, như tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy... cũng đang được các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thi công. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn, trong năm 2021, Ban tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ đầu năm, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và thông xe 18 dự án. Cùng với đó, Ban tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thi công và nghiệm thu bàn giao.

Những năm qua, Hà Nội đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu vượt và nút giao thông quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân. Tỷ lệ đất dành cho giao thông trên tổng diện tích đất xây dựng đô thị còn thấp (mới đạt 10,07% trong khi theo yêu cầu phải đạt từ 20% trở lên).

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm. Do đó, Sở sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư của Bộ Giao thông vận tải và thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, phấn đấu hoàn thành 38/91 công trình nằm trong kế hoạch năm 2021, bảo đảm nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,35% trở lên, trong đó đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai. Việc các dự án đẩy nhanh tiến độ, làm tốt công tác phòng dịch ngay từ đầu năm sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu trên.

kimcuc

Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)