Xác định phát triển hạ tầng giao thông để “đi tắt, đón đầu” thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện các công trình giao thông trong hệ thống hạ tầng khung đô thị, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương và hình thành các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận.
Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án giao thông như: Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025; Nghị quyết số 91 của HĐND tỉnh về phát triển hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020; Quyết định số 3779 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phát triển đô thị của tỉnh hoàn thiện hạ tầng giao thông khung đô thị như các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, trục xuyên tâm và đường đô thị chính.
Dự án đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh sang thị trấn Hoa Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ
Hằng năm, UBND tỉnh luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn lớn cho đầu tư công cho đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông. Đặc biệt, ngoài vốn ngân sách, giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã báo cáo Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư một số dự án lớn như: Đường tỉnh 301 Phúc Yên, đường song song đường sắt tuyến phía Nam, đường Tây Thiên - Tam Sơn, dự án đường vành đai phía Đông huyện Tam Đảo…với tổng vốn 575 tỷ đồng; thực hiện 4 dự án mới từ nguồn vốn vay ODA với tổng số vốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, lựa chọn hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) để thu hút thêm các nguồn vốn xây dựng đường trục giao thông và cảnh quan Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đường trục giao thông Đông - Tây đô thị Vĩnh Phúc, xây dựng bãi đỗ xe tại Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên…
Với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới như: đường Q.L2 đi cầu Phú Hậu; dự án mở rộng cầu Bì La; đường từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; đường từ nút giao Văn Quán đi trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô I; đường Tây Thiên - Tam Sơn; đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; đường Tây Thiên - Bến Tắm; đường vành đai 3 trong quy hoạch phát triển giao thông Vĩnh Tường…
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 94,2% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, 100% đường huyện, đường trục xã, 87,7% đường trục thôn, ngõ xóm được kiên cố hóa. Giao thông phát triển không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn góp phần quan trọng vào hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho cả khu vực đô thị, nông thôn và tăng cường kết nối, giao thương, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch của từng địa phương, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 phát triển ổn định, với 8/13 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị theo hướng bền vững, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2020-2025, Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Trong đó, liên quan đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, năm 2020, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh xấp xỉ 20.000 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường vành đai 1,2,3,4,5 và 35 dự án, công trình giao thông quan trọng. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương lập quy hoạch phát triển tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh với tầm nhìn dài hạn và đồng bộ, kết nối liên hoàn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án giao thông lớn có sức lan tỏa; xây dựng, nâng cấp một số tuyến giao thông, các cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận.
Nỗ lực hoàn thành xây dựng các công trình giao thông đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, những ngày cuối năm này, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang tập trung nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công, thông tuyến tại một số đoạn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.