Nhằm nâng tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hành khách bằng xe buýt lên mức 16-18% vào năm 2025, ngay từ năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ mở mới 30 tuyến buýt; tiếp tục rà soát, mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa luồng tuyến, đầu tư đổi mới phương tiện theo hướng ưu tiên chất lượng, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, xe buýt sẽ kết nối hợp lý với các tuyến đường sắt đô thị để tiếp tục nâng hiệu quả hệ thống vận tải công cộng.
Việc duy trì làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Sẽ mở mới 30 tuyến buýt
Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư phát triển, đến hết năm 2020, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã đáp ứng được gần 10% nhu cầu đi lại của người dân. Tính đến thời điểm này, thành phố Hà Nội có 126 tuyến buýt, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 453/579 xã, phường, thị trấn (đạt 78,2%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 27/27 khu công nghiệp lớn (đạt 100%); 31/37 khu đô thị (đạt 83,8%). Trung bình mỗi năm, thành phố Hà Nội dành khoảng 1.300 tỷ đồng để trợ giá xe buýt nhằm mở rộng mạng lưới phục vụ, nhất là tới khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ đối tượng chính sách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng...
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, giai đoạn tới, thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe buýt sẽ còn được quan tâm đầu tư hơn nữa và nguồn trợ giá hằng năm sẽ còn tiếp tục tăng thêm.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương mở mới 30 tuyến buýt trong năm 2021 và giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cùng các đơn vị liên quan triển khai.
Thông tin cụ thể hơn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, các tuyến dự kiến mở mới trên nguyên tắc: Tiếp tục mở rộng vùng phục vụ, kết nối khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố; tăng khả năng tiếp cận của xe buýt tới các điểm phát sinh nhu cầu lớn như khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị; kết nối các khu đô thị, các quận, huyện, thị xã với sân bay Nội Bài; giảm thời gian đi lại của hành khách… Thành phố cũng sẽ đầu tư đổi mới phương tiện theo hướng ưu tiên nâng cao chất lượng, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Theo ông Vũ Văn Viện, lộ trình mở mới tuyến xe buýt sẽ chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 thực hiện đặt hàng 10 tuyến sử dụng xe buýt điện (dự kiến thực hiện từ quý II-2021), kết nối tới các khu đô thị mới phát sinh nhu cầu cao và hiện chưa có xe buýt như: Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm), Khu đô thị Ocean Park (huyện Gia Lâm)… Đợt 2 tổ chức đấu thầu 10 tuyến buýt trong quý II-2021 và vận hành từ quý III-2021. Đợt 3 đấu thầu 10 tuyến còn lại trong quý III-2021 và vận hành từ quý IV-2021. Các tuyến buýt thực hiện theo phương thức đấu thầu sẽ kết nối tới nhiều vùng chưa có dịch vụ xe buýt như: Xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Dương Xá và Văn Đức (huyện Gia Lâm), xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), xã Đông La (huyện Hoài Đức)… Ước tính, tổng kinh phí trợ giá cho 30 tuyến buýt mở mới khoảng 202 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chủ động tham gia
Đóng vai trò đơn vị chủ lực của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Hoàng Trung khẳng định, Transerco luôn tích cực, chủ động phát triển mạng lưới xe buýt theo Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố. Theo đó, Transerco phát triển tối thiểu 10-20 tuyến buýt mới/năm; đầu tư mới 120-200 xe/năm để nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, tối ưu hóa mạng lưới xe buýt, khớp nối đồng bộ với hoạt động của các tuyến đường sắt đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt và hệ thống vận tải công cộng. Transerco cũng tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại như: Hệ thống vé xe buýt điện tử, hệ thống giám sát vận hành phương tiện, xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch… để nâng chất lượng dịch vụ.
Là doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực xe buýt, đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới chạy bằng xe điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp, với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hiện các công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất để sẵn sàng vận hành khi được thành phố cho phép. Loại hình xe buýt điện đầu tiên ở Việt Nam sẽ được vận hành bởi Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus (thuộc Vingroup). VinBus cũng sẽ cho ra đời ứng dụng VinBus kết hợp cùng VinID hỗ trợ thông tin mạng lưới tuyến xe buýt của toàn thành phố, giúp hành khách tra cứu thuận lợi; thiết lập các khu depot có chức năng văn phòng điều hành, trạm sạc năng lượng, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, điểm bán vé tháng và cung cấp dịch vụ cho hành khách...
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư theo quy hoạch các hạng mục hạ tầng cơ bản của xe buýt gồm điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, các hành lang ưu tiên để định hình một kết cấu mạng lưới ổn định, có phân cấp mạch lạc và kết nối hiệu quả với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
“Đặc biệt, thành phố sẽ duy trì làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT; mã hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt và cải thiện, đổi mới cách thức thông tin về lộ trình, điểm dừng đỗ, nhất là thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt toàn thành phố; sớm triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục chính đủ điều kiện…”, ông Vũ Văn Viện thông tin.