Vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, phấn đấu trong 5 năm tới xây dựng được 200 cây cầu, tổng vốn 470 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các điều kiện để tổ chức thực hiện đề án đúng lộ trình đề ra.
Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở GTVTnhấn mạnh, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng được hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn, từng bước khắc phục tình trạng chia cắt, tạo tính kết nối, động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, tỉnh ta có địa hình phức tạp, chia cắt bởi sông suối, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Sở đã chủ trì xây dựng đề án của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Đây là đề án được triển khai sớm nhất và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân bởi lợi ích thiết thực mang lại.
Cầu dân sinh xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) được
đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân
Sở GTVT đã phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn cần phải xây dựng, bảo đảm yêu cầu về kết nối, tác động tích cực đến đời sống cộng đồng khu vực nông thôn, nhưng tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Ngay trong năm 2021, tỉnh triển khai xây dựng 38 cây cầu trên đường giao thông nông thôn. Sở Giao thông - Vận tải đã hoàn thiện thiết kế, phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng công trình. Hiện các địa phương đã tổ chức phát động và ra quân thực hiện đề án của tỉnh. Công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm hết tháng 3 này khởi động dự án. Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phân bổ xây dựng 36 cây cầu, trong năm 2021 này xây dựng 6 cây cầu trên đường giao thông nông thôn. Huyện tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân hiến đất để công trình được triển khai đúng kế hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy giao thương hàng hóa của nhân dân, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa như bưởi, chè, rừng...
Đồng chí Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cho biết, trong 5 năm tới, xã Kim Bình được đầu tư xây dựng 3 cây cầu tại thôn Khuôn Nhự, Đèo Nàng. Xã đẩy mạnh tuyên truyền Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn đến các hộ gia đình bảo đảm tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện.
Việc xây dựng cầu là rất cần thiết, do đó được người dân đồng tình, ủng hộ. Ông Triệu Văn Hà, Trưởng thôn Đèo Nàng, xã Kim Bình cho biết, được tỉnh đầu tư xây dựng cầu trên tuyến đường của thôn, bà con rất phấn khởi. Thôn đã tuyên truyền đề án đến các hộ gia đình, ai cũng hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất khi cần.
Để đề án phát huy hiệu quả, yếu tố quan trọng là nêu cao vai trò của người dân trong mỗi công trình, trọng tâm là tạo điều kiện về mặt bằng; tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng, bảo đảm công trình được xây dựng đúng tiến độ, chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài, hiệu quả.