Thành phố Hồ Chí Minh xác định phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Thành phố Hồ Chí Minh đề ra một loạt giải pháp
nhằm đưa vận tải hành khách xe buýt phát triển đột phá thời gian tới.
Nhiều thay đổi nhưng còn bất cập
Là người thường xuyên tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt, bà Lê Thị Lựu (59 tuổi, ngụ số 22/48 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) vui mừng chia sẻ: “Đi xe buýt bây giờ sướng hơn so với nhiều năm trước khi xe mới hơn, máy lạnh mát rượi, đến trạm nào thì có loa thông báo trước, wifi dùng thoải mái, thậm chí có cả sách báo để đọc…”.
Tuy nhiên, cũng theo bà Lựu, một số hạn chế, bất cập của xe buýt vẫn còn tồn tại như: Chạy chậm giờ do ùn tắc qua những khu vực có lượng phương tiện tham gia đông đúc; phóng nhanh, vượt ẩu; tài xế, nhân viên phục vụ đôi lúc tỏ thái độ chưa nhã nhặn với hành khách; tình trạng mất cắp trên xe buýt vẫn còn...
Thực tế, hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải, trong khi lượng phương tiện giao thông đăng ký tăng nhanh hằng năm, sự phát triển của dịch vụ gọi xe công nghệ; cơ sở hạ tầng đường sá, bến bãi chưa đáp ứng; phương tiện vận chuyển cũ; việc bố trí trạm dừng, lộ trình xe buýt chưa hợp lý... cũng là nguyên nhân khiến cho loại hình xe buýt tồn tại nhiều bất cập khi hoạt động.
Theo kết quả khảo sát của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 4.938 tuyến đường với tổng chiều dài các tuyến đường và cầu là 4.583km; trong đó, khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m với chiều dài 2.544km (chiếm hơn 55%). Trong số 2.322 xe buýt tham gia hoạt động trên 137 tuyến xe buýt, có 767 xe có niên hạn sử dụng trên 10 năm.
Đồng bộ các giải pháp
Để phát triển xe buýt phù hợp với hạ tầng đô thị, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thành phố được nghiên cứu triển khai hệ thống xe buýt nhỏ (từ 12 đến dưới 17 chỗ) hoạt động tại các khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông và các khu vực dân cư nội bộ, nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng, phục vụ người dân tốt hơn.
Đánh giá về đề xuất này, ông Trần Hoài Vân (trú tại đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12) chia sẻ: “Hạ tầng giao thông thành phố đang quá tải, nên việc phát triển xe buýt loại nhỏ sẽ phù hợp và linh hoạt khi di chuyển ở những khu vực có mặt đường hẹp, thuận lợi cho người dân tiếp cận đi lại, bảo đảm giờ giấc, giảm ùn tắc giao thông”.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2022, thành phố dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối các khu đô thị mới.
Cũng theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới sẽ tổ chức thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (trung tâm thành phố), theo khung thời gian 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Đồng thời, thành phố sẽ đưa các tuyến xe buýt điểm đáp ứng nhiều tiêu chí mới về chất lượng vào hoạt động. Cụ thể là, sẽ bảo đảm chạy đúng giờ; không bỏ trạm, bỏ khách; có hệ thống wifi, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống âm thanh thông báo điểm dừng; lái xe và nhân viên phục vụ ân cần, niềm nở. Lái xe không phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, thành phố đề ra 17 giải pháp phát triển hệ thống và công tác điều hành đối với loại hình xe buýt đến năm 2030. Trong đó, đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt; ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường, triển khai ứng dụng vé thông minh (smart card) trên xe buýt vào năm 2025; cải tạo, phát triển trạm dừng, nhà chờ thuận lợi cho hành khách dễ dàng tiếp cận; đào tạo, tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về kỹ năng xử lý tình huống, văn hóa ứng xử...
Cũng theo ông Trần Quang Lâm, thành phố Hồ Chí Minh đã được cơ quan lãnh sự Anh tài trợ khoản kinh phí không hoàn lại để xây dựng khung tiêu chuẩn thẻ vé giao thông công cộng. Sau khi có khung tiêu chuẩn, ngành giao thông sẽ tiếp tục nghiên cứu hệ thống thanh toán, tiến tới thẻ vé điện tử trong tương lai sẽ dùng để thanh toán được các loại hình giao thông công cộng, từ tàu điện ngầm, tàu điện trên cao đến xe buýt...