Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu, coi đây là khâu đột phá quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng hàng đầu, nhiều tuyến giao thông trọng điểm đã, đang được đầu tư tạo động lực phát triển. Nhiều tuyến đường huyện và giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp. Kết quả này có vai trò hết sức quan trọng từ công tác quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) với phương châm "giao thông đi trước mở đường".
Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đang được triển khai thực hiện dự án đường cao tốc (giai đoạn 2)
với phương án quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, dự trữ quỹ đất để mở rộng đường bộ 10 làn.
Sở GTVT Hòa Bình đã tích cực, chủ động tham mưu công tác lập quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực, như: Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển vận tải bằng ô tô định hướng đến năm 2030... Bên cạnh đó, Sở đã lập và đang trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể đường gom và các vị trí đấu nối đường ngang vào các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Vừa qua, tại cuộc làm việc của đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình với Sở GTVT, đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở cho biết: Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở đã tham mưu UBND tỉnh một số nội dung đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời đưa vào nghị quyết HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025. Sở rà soát lập danh mục các dự án công trình giao thông, tham mưu UBND tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021 - 2025... Để triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch này giai đoạn 2018 - 2020. Trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch về GTVT, Sở đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như tích cực tham gia ý kiến đối với các quy hoạch, chương trình, dự án có liên quan đến GTVT để đảm bảo tính thống nhất và tuân thủ quy hoạch được duyệt.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có trên 10.746 km đường bộ; trong đó, quốc lộ (QL) có 322,1 km/7 tuyến; đường tỉnh 478,21 km/21 tuyến; đường huyện 750,76 km/73 tuyến; đường xã, liên xã 1.226,52 km; đường đô thị 84 km/112 tuyến; đường nội thị 241 km... Ngoài ra, hệ thống đường thủy nội địa đang khai thác vận tải dài gần 156 km (sông Đà gần 137 km, sông Bôi 19 km). Cùng với mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 26 bến xe khách, hiện 12 bến xe đã được công bố đưa vào khai thác (TP Hòa Bình có 3 bến, các huyện có 9 bến). Tỉnh cũng quy hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh có 70 vị trí bãi đỗ xe với tổng diện tích 15,72 ha; định hướng đến năm 2030, có 88 vị trí bãi đỗ xe với tổng diện tích quy hoạch gần 25 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh quy hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp 6 cảng hiện có, quy hoạch 20 bến thủy nội địa trên sông Đà, 40 bến thủy nội địa trên hồ Hòa Bình thuộc các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu.
Từ phát triển hệ thống giao thông đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh. Giao thông thuận lợi thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đến tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Ngô Ngọc Đức, Bí thư Thành ủy Hòa Bình bày tỏ: Thời gian qua, ngành GTVT tỉnh đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển đô thị của TP Hòa Bình. Cơ sở hạ tầng của ngành trên địa bàn thành phố rất lớn với nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm chạy qua như: QL6, đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, QL70B và các tuyến đường tỉnh 433, 435... là những tuyến có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để GTVT đóng vai trò tích cực hơn giúp địa phương phát triển KT-XH và phát triển đô thị, thành phố kiến nghị ngành GTVT Hòa Bình rà soát lại quy hoạch ngành và quy hoạch có liên quan để tới đây, khi thực hiện quy hoạch tỉnh thì có căn cứ, cơ sở và đề xuất sát thực nhất với thực tiễn, đảm bảo đúng là "chìa khóa" phát triển trong tương lai. Vấn đề thực hiện quy hoạch cần kịp thời, thường xuyên, chủ động báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề xuất các dự án, danh mục, hạng mục đầu tư theo lộ trình, đảm bảo định hướng, giúp các địa phương phát triển.
Cũng theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hòa Bình, trên địa bàn thành phố hiện có 3 bến xe, cơ bản phát huy được vai trò. Song hiện nay, phố phường chật chội, vị trí bến xe khách trung tâm nằm ngay giữa thành phố không còn phù hợp. Do vậy, Sở GTVT ưu tiên sớm di chuyển bến xe khách trung tâm ra khỏi nội đô. Quỹ đất ở bến xe để phục vụ phát triển dịch vụ hoặc các quy hoạch khác thì sẽ hiệu quả, văn minh, đảm bảo môi trường hơn. Việc quy hoạch các điểm, bãi đỗ xe buýt hiện đã khá lạc hậu so với mức độ phát triển của các phương tiện vận tải cá nhân. Nếu không có hình thức, quy hoạch mới thì không thể đáp ứng được yêu cầu so với tốc độ trong đô thị. Hiện chỉ cho đỗ xe buýt dưới hình thức điểm đỗ xe bên đường không còn phù hợp, khiến cho đường phố lộn xộn, nhất là vào những khung giờ cao điểm.
Thực tế cho thấy, công tác quy hoạch giao thông đã mang lại hiệu quả rõ nét, tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, nhiều quy hoạch cần phải bổ sung, điều chỉnh có tầm nhìn xa hơn. Theo đánh giá của Sở GTVT Hòa Bình, những năm qua, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng mục tiêu cho từng giai đoạn quy hoạch. Các tuyến đường tỉnh, theo quy hoạch đến năm 2020 cơ bản đạt cấp V, nhưng hiện chủ yếu vẫn là đường cấp VI hoặc giao thông nông thôn loại A; trên địa bàn tỉnh chưa có km đường cao tốc nào. Một số quy hoạch GTVT phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung cục bộ trong quá trình thực hiện để đảm bảo phù hợp với khả năng nguồn lực, điều kiện thực tế và định hướng phát triển chung của tỉnh. Theo đó, Sở GTVT Hòa Bình đề xuất tỉnh quan tâm sớm cập nhật các nội dung quy hoạch ngành GTVT tích hợp vào quy hoạch tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT. Chỉ đạo các địa phương, ban, ngành chức năng phối hợp, thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn, đẩy mạnh thực hiện thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống GTVT theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Quy hoạch đảm bảo tính kết nối, liên kết vùng
Đó là chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình cũng như kiến nghị, đề xuất của nhiều địa phương đối với lĩnh vực GTVT trong thời gian tới, để đáp ứng ngày càng tốt hơn tốc độ phát triển KT-XH trong bối cảnh mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng.
Về nội dung này, đồng chí Bùi Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Yên Thủy chia sẻ: Thời gian gần đây, KT-XH có sự phát triển mạnh mẽ, đi liền với đó là việc phát triển các phương tiện tham gia giao thông tăng rất nhanh. Do vậy đã khiến cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, kể cả đường Hồ Chí Minh qua tỉnh gần như quá tải bởi lượng xe lưu thông rất cao. Chính vì vậy, trong lộ trình công tác quy hoạch, đề nghị Sở GTVT tiếp tục rà soát, tính toán tốc độ phát triển KT-XH cũng như gia tăng phương tiện để có tầm nhìn, làm sao hạ tầng đáp ứng được sự phát triển của phương tiện. Với mục tiêu cho sự phát triển của tương lai bền vững, Sở cần nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT, trước tiên có kế hoạch bổ sung nâng cấp các tuyến QL6, QL21, QL12B. Với tỉnh, các tuyến tỉnh lộ, đặc biệt là những dự án mở mới cần phê duyệt có tầm nhìn xa. Trên thực tế, đối với những tuyến đường cấp V, cấp VI khi đầu tư xong chỉ sau một thời gian ngắn là không đáp ứng được nhu cầu phát triển của các phương tiện lưu thông. Về tầm nhìn, đến nay, chúng ta mới xác định được các dự án giao thông trọng điểm, nhưng việc kết nối hạ tầng giao thông hết sức quan trọng, bởi sẽ tạo ra sự phát triển cũng như tính văn minh trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của các vùng. Do vậy, cần quan tâm tới việc quy hoạch liên kết vùng, giữa các huyện, thành phố trong tỉnh và với các huyện của tỉnh bạn, nhằm hình thành mạng lưới giao thông có tính kết nối tốt hơn nữa, để khi đầu tư sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, cảnh quan trong phát triển KT-XH cũng như phát triển của khu vực.
Đường tỉnh 435 được cải tạo, nâng cấp đã kết nối TP Hòa Bình với các xã vùng sâu, xa
của 2 huyện Cao Phong, Tân Lạc, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH và thu hút đầu tư vào khu vực.
Những năm qua, tỉnh đã đầu tư một số tuyến giao thông trọng điểm, phát huy được hiệu quả quan trọng trong việc kết nối, là động lực thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, nâng cao đời sống người dân, điển hình như đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, đường tỉnh 435, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6... Giao thông rộng mở nên trong tỉnh đã có 204 doanh nghiệp, HTX và hàng trăm hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải theo các loại hình, với trên 2.820 phương tiện (tăng gấp 4 lần so với đầu năm 2016). Sản lượng vận tải hành khách tăng trung bình 8%/năm; vận tải hàng hóa tăng trung bình 9%/năm.
Sự phát triển của giao thông cũng như các phương tiện chính là thước đo của phát triển KT-XH. Do vậy, quy hoạch giao thông theo hướng kết nối, liên kết vùng là yêu cầu tất yếu. Đối với TP Hòa Bình, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2025, thành phố đề xuất: Giai đoạn 2021 - 2025, trong kế hoạch đầu tư công cần quan tâm đến các đường tỉnh trên địa bàn thành phố, như đường đến xã Độc Lập, đường Pheo Chẹ, đường 446 hiện đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Việc đầu tư nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, nhất là những tuyến có vai trò thay đổi về phát triển đô thị cũng như thúc đẩy KT-XH, như đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình mở rộng; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với QL6; hay đường từ xã Quang Tiến đến xã Thịnh Minh, tuyến này tốc độ giao thông còn thấp và vai trò, giá trị sử dụng đất chưa cao, nếu có đường tốt sẽ kích thích phát triển đối với vùng.
Được biết, hiện nay, Sở GTVT tích cực tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, trong đó quy hoạch hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, hiện đại hơn. Huy động, thu hút các nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc vùng Thủ đô. Cùng với đó, Sở tích cực tham mưu triển khai các dự án trọng điểm mang tính chất kết nối, liên kết vùng rất cao, như: đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình (giai đoạn 2); đường Hòa Bình - Mộc Châu; dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La; dự án đường nối TP Hòa Bình - Kim Bôi; dự án đường tỉnh 450, 436...
Có thể nói, tư duy về phát triển giao thông là đòi hỏi từ thực tiễn. Theo đó, tại cuộc làm việc với Sở GTVT, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo: Vấn đề cần quan tâm nhất của ngành là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tổ chức đi lại an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Ngành cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, hiện thực hóa bằng những tuyến đường, cây cầu, bến cảng. Thời gian tới, ngành GTVT và các huyện, thành phố cần tích cực tham mưu thực hiện quy hoạch giao thông có tầm nhìn dài hạn, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, thu hút đầu tư vào tỉnh; trong đó, ngoài nhu cầu đi lại phải tính toán đến việc khai thác được quỹ đất hai bên đường, muốn vậy phải làm tốt công tác quy hoạch có định hướng, tính kết nối.