Đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng là một trong những nội dung trọng tâm của huyện Văn Bàn, Lào Cai trong giai đoạn tới.
Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển
Xã Khánh Yên Hạ - trung tâm cụm xã phía Nam của huyện Văn Bàn ngày càng sôi động nhờ phát huy tốt lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên cho phát triển nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên, Tỉnh lộ 151B huyết mạch kết nối Khánh Yên Hạ với trung tâm huyện Văn Bàn được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm đã xuống cấp, hạn chế khả năng giao thương và đang trở thành rào cản của địa phương. Ông Vũ Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ cho biết: Tuyến đường nhỏ hẹp lại xuống cấp đã hạn chế nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trung tâm huyện Văn Bàn
Những năm qua, hệ thống giao thông thiết yếu trên địa bàn huyện Văn Bàn được đầu tư cải tạo, sửa chữa, hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, trong đó có các tuyến quan trọng như Quốc lộ 279 dài 68,5 km, Tỉnh lộ 151 dài 30 km, Tỉnh lộ 151B dài 45 km, Tỉnh lộ 151C dài 16 km, đường huyện dài 40 km, đường nội thị dài 8,9 km. Các tuyến đường này là huyết mạch để giao lưu phát triển kinh tế với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện với tổng chiều dài 774,32 km, trong đó đường liên xã và trục xã gần 289 km, đường trục thôn hơn 297 km, đường nội đồng 89 km. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa, 100% đường đến trung tâm thôn đã được cứng hóa (đổ bê tông, rải cấp phối).
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng hạ tầng giao thông của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, khả năng kết nối hạn chế. Một số tuyến giao thông quan trọng xuống cấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, hạn chế việc thu hút các nhà đầu tư. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước dành cho phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng với nhu cầu của địa phương.
Ưu tiên các dự án trọng điểm
Đề án “Phát triển mạng lưới giao thông, xây dựng các đô thị huyện Văn Bàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đặt mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông đảm bảo hỗ trợ cho việc liên kết với các vùng trong huyện, liên huyện, liên tỉnh gắn với quy hoạch mạng lưới tỉnh lộ, quốc lộ và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo kết nối hệ thống giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn cho phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm xã hoặc cụm xã và cơ bản có đường ô tô tới thôn, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại.
Theo đó, huyện Văn Bàn sẽ đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông thiết yếu, trọng điểm để hình thành mạng lưới giao thông đối ngoại, liên kết các đô thị. Quốc lộ 279 là trục đường cơ sở đảm bảo việc thông tuyến xuyên suốt, có tính chất đối ngoại, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Huyện sẽ xây dựng các tuyến đường tỉnh đúng theo cấp kỹ thuật, phấn đấu 100% tuyến đường tỉnh được thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa, hoàn thành xây dựng các cầu lớn, thay thế các cầu có tải trọng nhỏ trên các tuyến đường tỉnh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, các trục đường trong thôn, xóm có đường được láng nhựa hoặc đổ bê tông, xóa bỏ 100% cầu tạm trên các tuyến đường giao thông nông thôn.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, huyện Văn Bàn đang triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến giao thông quan trọng mà khi hoàn thành sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế địa phương, như đường kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Lai Châu, đường Võ Lao - Cam Cọn (huyện Bảo Yên) kết nối với Cảng Hàng không Sa Pa, đường thị trấn Khánh Yên đi Liêm Phú, đường Võ Lao - Nậm Mả...
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, huyện sẽ lồng ghép và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông. Vốn ngân sách nhà nước sẽ tập trung cho các công trình trọng điểm; thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư các tuyến đường quy mô lớn; sử dụng vốn đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách huyện (từ nguồn thu sử dụng đất) và xã hội hóa một phần đề làm đường giao thông nông thôn.
Ông Vũ Xuân Thủy, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Đề án là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông hợp lý và thống nhất trong toàn huyện, có quy mô phù hợp với từng vùng, từng địa phương, hình thành các trục giao thông kết nối liên hoàn giữa hệ thống giao thông địa phương với mạng lưới giao thông của tỉnh, quốc gia, kết nối thuận tiện đến các xã, thôn trong địa bàn, đáp ứng mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hệ thống giao thông phát triển sẽ góp phần làm giảm chi phí vận tải hàng hóa, giúp việc tiêu thụ nông sản của người dân được dễ dàng.