Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn Quảng Ninh, đặc biệt là Thanh tra Sở GT-VT đã tăng cường thực hiện các biện pháp siết chặt, kiểm soát tải trọng; đồng thời xử lý nghiêm những chủ phương tiện tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành, thùng xe.
Đội TTGT chuyên ngành số 2 kiểm tra tải trọng phương tiện.
Theo tổng hợp từ Thanh tra Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, lực lượng đã tiến hành xử phạt gần 600 trường hợp xe chở quá tải, thay đổi kích thước thành thùng, phạt tiền trên 1 tỷ đồng và tiến hành hạ tải gần 100 tấn hàng hoá. Đối tượng chủ yếu là xe chở vật liệu đất, đá phục vụ xây dựng, hàng hóa... tập trung ở địa bàn Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí. Việc xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng chính là tác nhân gây hư hỏng cầu, đường và các vụ TNGT nghiêm trọng làm mất TTATGT trên các tuyến đường.
Trước thực tế đó, để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng phương tiện chở quá tải, cơi nới thành thùng lưu thông trên đường bộ, tránh các trạm kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ chạy vào tuyến đường địa phương, ảnh hưởng đến kết cấu cầu, đường, gây mất TTATGT, bức xúc trong nhân dân... Thanh tra Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng chuyên ngành, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề.
Theo đó, bên cạnh việc bố trí cán bộ phối hợp liên ngành, tăng cường chốt chặn tại các điểm nóng, điểm phức tạp về quá tải, Thanh tra Sở đã tổ chức ký cam kết với các đầu mối xếp hàng và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của lái xe và chủ xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.
Ông Lê Đức Vinh, Đội trưởng Đội TTGT chuyên ngành số 2, cho biết: Triển khai nhiệm vụ phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm soát tải trọng, kích cỡ thành thùng phương tiện, đội đã tổ chức thống nhất và phân công lực lượng cụ thể gồm 3 TTGT phối hợp cùng 3 CSGT tiến hành khảo sát vị trí đặt chốt, chuẩn bị mặt bằng đặt bàn cân để kiểm tra phương tiện ngay tại chỗ... Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tương đối khó khăn, chủ yếu chỉ xử lý được từ 2-3 xe đầu tiên khi đặt chốt, bởi các xe liên lạc, thông báo cho nhau về chốt liên ngành, nên các xe sau tạm dừng hoạt động, không đi qua nữa. Ngoài ra, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên công tác kiểm soát rất khó khăn, tổ liên ngành thường xuyên phải di chuyển các địa điểm khác nhau để đẩy mạnh phát hiện và xử lý. Việc xử lý những phương tiện có dấu hiệu vi phạm cũng không dễ dàng, vì lái xe luôn tìm cách chống đối, nên để xử phạt được một phương tiện mất rất nhiều thời gian...
Dù gặp không ít khó khăn, nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý triệt để các lái xe vi phạm. Tính từ đầu năm đến nay, tại địa bàn TP Hạ Long, riêng Đội TTGT chuyên ngành số 2 đã phát hiện, xử lý gần 100 trường hợp xe chở quá tải; trên QL279 xử lý 13 trường hợp, phạt tiền hơn 30 triệu đồng.
Tuy đã đạt được những kết quả tương đối khả quan, nhưng để chấm dứt loại phương tiện vi phạm về tải trọng và cơi nới thành thùng, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp vận tải thông qua việc chấp hành luật giao thông. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải chủ động quản lý, đăng ký các điểm khai thác vật liệu xây dựng sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng tới môi trường sống và sự an toàn của người dân; các doanh nghiệp cũng cần chủ động điều hành sản xuất hợp lý để đảm bảo tiến độ thi công công trình.
Song song với biện pháp cân tải trọng phát hiện, xử lý sai phạm, các lực lượng chức năng cũng cần xử phạt nghiêm những doanh nghiệp cố tình vi phạm, tái phạm; siết chặt công tác đăng kiểm, để giải quyết tận gốc tình trạng lái xe vi phạm kết hợp với công tác tuyên truyền, ký cam kết với lái xe, chủ phương tiện ngay trong quá trình kiểm tra, xử lý...