Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030 theo hướng hiện đại và đồng bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ lưu thông hàng hóa và tăng năng lực vận tải trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh sẽ huy động nhiều nguồn lực. Điều này sẽ mở ra kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố trong thời gian tới.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện
hệ thống hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông
Ngày 9/6/2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2085/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030. Theo đó, về đường bộ, thành phố sẽ xây dựng hơn 652km; đường sắt, xe buýt nhanh - BRT gần 212km; xây dựng 81 cầu lớn; triển khai 15 dự án xây dựng các nút giao thông; 31 dự án giao thông tĩnh; 7 dự án thuộc chương trình đô thị thông minh; đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư dự kiến trong 10 năm tới là 970.654 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư là khoảng 553.515 tỷ đồng. Theo đó, các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư như đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh); đường Vành đai 2, Vành đai 3; mở rộng các quốc lộ 1, 22, 50, 13; xây đường trên cao số 1, số 5… Các công trình kết nối vùng cũng được triển khai như xây dựng cầu Cát Lái nối với tỉnh Đồng Nai; trục động lực kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang…
Về đường sắt sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); triển khai xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai)…
Đón nhận thông tin này, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải tỏ rõ vui mừng. Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh (thành viên của Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh) Lâm Đại Vinh cho hay: “Hạ tầng giao thông quá tải đã khiến tình trạng kẹt xe, đặc biệt là tuyến đường vành đai ngoại thành, các tuyến ra vào cảng biển thêm trầm trọng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông 10 năm tới của thành phố, chúng tôi rất kỳ vọng mạng lưới hạ tầng giao thông sẽ được cải thiện đồng bộ, giúp ngành vận tải hàng hóa nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của thành phố phát triển”.
Cần có giải pháp huy động vốn
Về kế hoạch phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết, Sở được thành phố giao chủ trì xây dựng danh mục dự án. Giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển gần 295km đường bộ; thêm 66km đường sắt, BRT; nâng tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 ước đạt 15%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất thành phố đến năm 2025 ước đạt 2,5km/km2. Riêng năm 2021, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị 12,76% và mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,26km/km2.
Để thực hiện kế hoạch này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng nhấn mạnh, thành phố đã chủ động đưa ra các chủ trương khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác.
Đồng tình với nhận định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất: "Thành phố cần chủ động đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính cũng như thời gian xin phép đầu tư nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư". Còn ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông thành phố lưu ý thêm, ngoài vấn đề về nguồn vốn thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng cần được chú trọng giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu các sở liên quan tham mưu thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách năm 2021 và giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP) với những dự án trọng điểm, cấp bách, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2030.