Là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí là “cửa ngõ” của Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, thời gian qua, Long An đã tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông để tăng liên kết vùng, tạo động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Một tuyến đường ở TP Tân An. (Ảnh: T. Nga)
Theo đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Long An đã được ngành Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện cơ bản theo đúng tiến độ đề ra. Nhiều trục đường giao thông quan trọng có ý nghĩa liên kết vùng được hình thành như tuyến đường ĐT.830 (Đoạn Đức Hòa - Cảng Tân Tập); đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; trục động lực kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gồm 14 công trình nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp; kết nối đến Cảng quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP Hồ Chí Minh. Hiện đã có nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Song song đó, hệ thống giao thông nông thôn được các địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Chương trình cầu giao thông nông thôn đến nay đã xây dựng được hơn 100 cây cầu tại các huyện vùng biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Đức Huệ. Chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc xóa bỏ cầu khỉ, tạo điều kiện đi lại của người dân được dễ dàng hơn, cũng như góp phần hoàn chỉnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Có thể thấy, Long An đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Những nỗ lực thu hút đầu tư cùng chính sách mở cửa đang làm gia tăng tốc độ phát triển của tỉnh. Điều Long An cần nhất đó chính là tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo mối nối thông suốt giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và đặc biệt nối liền Long An với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nhằm tạo ra sự giao thương, kết nối và làm tăng khả năng phát triển kinh tế địa phương.
Thi công đường giao thông và bờ kè ở Long An. (Ảnh: T.Nga)
Trước đây, do hệ thống giao thông vận tải, nhất là phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp còn hạn chế, đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, chưa có sự kết nối đồng bộ dẫn đến không theo kịp yêu cầu phát triển. Tại 4 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Long An gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc, ngoài những tuyến đường Quốc lộ và tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đi ngang qua, hệ thống giao thông trong vùng chưa có sự kết nối. Vì thế, nhiều nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đầu tư, dù thấy được tiềm năng to lớn tại Long An nhưng vẫn còn e ngại do hệ thống giao thông không đồng bộ, tốn kém chi phí vận chuyển và các chi phí logistics. Xác định đây chính là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Long An đã quyết tâm tạo ra bước đột phá trong việc xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, tạo tiền đề để phát triển kinh tế.
Chính vì vậy, Long An đã tập trung hoàn thành xây dựng tỉnh lộ 830, là tuyến đường huyết mạch kết nối vùng phát triển công nghiệp ở huyện Đức Hòa qua Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc về Cảng Quốc tế Long An. Tỉnh lộ 830 được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 55 km. Từ khi tỉnh lộ 830 được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp đến cảng biển hoặc đi TP Hồ Chí Minh đã thuận tiện hơn rất nhiều. Nhờ có tuyến đường giao thông này, Cảng Quốc tế Long An giờ đây không những đã đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn cả một phần ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.
Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện chương trình đột phá và các công trình trọng điểm nói trên trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư hạn chế, tỉnh Long An xác định bên cạnh việc nỗ lực, phấn đấu khai thác hiệu quả các nguồn thu và cơ cấu lại chi ngân sách để tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm và chương trình đột phá.
Tỉnh tăng cường kêu gọi xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP); đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương đối với các dự án có tác động lan tỏa đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực nhằm bảo đảm các dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Long An cho biết, tùy điều kiện ngân sách và khả năng huy động vốn sẽ thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên từng công trình và sẽ sớm hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả. Việc đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá và ba công trình trọng điểm nói trên sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông bên ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp, phục vụ tốt hơn việc thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độphát triển công nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Các dự án hoàn thành đúng tiến độ như tỉnh lộ 825, 823, 826B... đã đóng góp rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh Long An nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, qua đó đưa tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp khá cao, góp phần đưa kinh tế Long An phát triển nhanh, bền vững hơn, đời sống người dân Long An ngày càng được nâng cao./.