Vùng ĐBSCL “xoay trục” vận tải đường thủy đang chứng tỏ ưu thế

Thứ hai, 13/09/2021 09:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
ĐBSCL phát huy lợi thế của giao thông thủy để lưu thông hàng hóa, góp phần tích cực trong việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ được thuận lợi như hiện nay.

ĐBSCL là vùng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó có cả sông Tiền, sông Hậu đi qua và nhiều tuyến đường thủy khác do Bộ GTVT quản lý. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lưu thông đường bộ bị hạn chế, các địa phương trong khu vực đã biết phát huy lợi thế của giao thông thủy để lưu thông hàng hóa, góp phần tích cực trong việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ được thuận lợi như hiện nay. 

Vừa qua, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch mỗi địa phương đưa ra những quy định khác nhau đã dẫn tới việc lưu thông hàng hóa trên bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu vận chuyển hàng hóa, nông sản, lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN).

Vùng ĐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, kết nối các địa phương với nhau đã giúp việc vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản đi, đến các địa phương thuận tiện trong bối cảnh vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn.

Giao thông thủy tỉnh Vĩnh Long tham gia tích cực
trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản đi tiêu thụ.

Để phát huy lợi thế trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, nhất là các mặt hàng nông sản đến thời vụ thu hoạch, một số địa phương đã khuyến kích, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thông quan. Tuy nhiên, việc lưu thông hàng hóa bằng đường thủy cũng gặp không ít khó khăn khi thời gian vận chuyển dài, các thuyền viên trên thuyền phải đảm bảo các quy định của địa phương trong phòng, chống dịch bệnh như giấy xét nghiệm có thời hạn Covid-19.

Ông Huỳnh Minh Dũng, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Phương tiện người lái (Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp) cho biết, hiện nay địa phương đang bước vào thu hoạch một số mặt hàng nông sản, áp lực trong tiêu thụ, vận chuyển là rất lớn. Vì vậy địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để đường bộ lẫn đường thủy phát huy tối đa lợi thế trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, nhất là việc vận chuyển từ cánh đồng đến nhà máy để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Huỳnh Minh Dũng, việc lưu thông hàng hóa bằng đường thủy trên địa bàn Đồng Tháp thuận tiện, không chỉ các tuyến sông lớn mà trên các tuyến kênh, mương nội đồng vừa qua đã phát huy hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, các phương tiện tham gia vận chuyển đều chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của địa phương.

“Tất cả các tuyến đều là luồng xanh và không bị ùn ứ. Bộ GTVT cũng có ban hành hướng dẫn về luồng xanh đường thủy nội địa, chốt kiểm soát chỉ cần yêu cầu chủ phương tiện, thuyền viên có giấy xét nghiệm còn thời hạn để đảm bảo lưu thông. Tỉnh Đồng Tháp hiện nay vừa chống dịch, vừa tháo gỡ vấn đề vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của bà con nông dân”, ông Dũng cho biết.

Tàu ghe ở các tỉnh vùng trên vẫn về Cà Mau thu mua lúa.

Vĩnh Long là tỉnh có sông ngòi chằng chịt, trong đó có cả sông Tiền, sông Hậu đi qua. Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid - 19 đến nay, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông thủy tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản đưa đi tiêu thụ. Bên cạnh đó, Vĩnh Long có rất nhiều xã Cù Lao nằm giữa sông tách biệt với đất liền giao thông bộ chưa kết nối được. Nhưng nhờ có giao thông thủy đã giúp bà con nông dân tại các xã cù lao này lưu thông hàng hóa, kết nối được với thị trường bên ngoài.

Ông Trần Thái Nam, Trưởng phòng vận tải, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhờ có sự tham gia tích cực của các tàu, thuyền đã góp phần đáng kể trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Hiện nay, việc vận chuyển nông sản, hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Long không xuất hiện tình trạng ùn ứ, việc lưu thông diễn ra thuận lợi. Hàng hóa Vĩnh Long cũng đã tham gia luồng xanh của TP.HCM. Tỉnh cấp giấy phép hoạt động đúng quy định, không có hồ sơ tồn đọng hoặc quá thời hạn quy định”, ông Nam khẳng định.

Tại vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau đang vào cao điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Lúa được thương lái địa phương thu mua, vận chuyển ra các tuyến kênh lớn bán lại cho thương lái. Thông thường các tàu ghe từ An Giang, Cần Thơ,... đều đổ về “rốn lúa” của tỉnh là huyện Trần Văn Thời. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng các ghe thu mua, vận chuyển lúa vẫn về rất tấp nập.

Theo UBND huyện Trần Văn Thời, để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, những người trên các tàu ghe vào vận chuyển lúa phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực. Những tàu ghe này không được đưa lực lượng về để khuân vác lúa, thương lái địa phương sẽ tìm nhân lực tại chỗ và đăng ký với chính quyền địa phương. Các tàu ghe về thu mua nông sản nói chung, lúa nói riêng đều được tạo điều kiện thuận lợi.

“Trước khi thương lái xuống địa bàn thu mua lúa đều nhận được các quy định phòng, chống dịch ở địa phương nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Những người đi tàu, ghe đến địa phương không được lên bờ, thực hiện giãn cách ngay trên ghe, cần mua gì hay chuyển gì sẽ gọi điện thoại có người hỗ trợ. Mọi điểm bến đều có tổ công tác quản lý giấy tờ, nhân sự”, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nêu rõ.

Vùng ĐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, kết nối các địa phương với nhau
đã giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Sở GTVT Cà Mau cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cửa ngõ vận tải đường thủy vào địa phương từ tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu đều có chốt kiểm soát dịch Covid-19. Những người trên các tàu, ghe qua lại chốt phải khai báo y tế, xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính còn thời hạn 3 ngày; Các chủ tàu cũng được tuyên truyền thực hiện phương án "1 cung đường 2 điểm" đến để hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan dịch.

Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Cà Mau những năm gần đây lưu lượng lưu thông không còn nhiều. Các tàu ghe ra vào tỉnh chủ yếu để vận chuyển vật liệu xây dựng hoặc các loại nông lâm sản như lúa, gỗ. Hiện các cửa ngõ giao thông thủy của tỉnh như tuyến Quản lộ Phụng Hiệp; Kênh sáng Cà Mau – Bạc Liêu; Kênh sáng Chắc Băng,... đều thông thoáng, không ùn ứ. Cũng nhờ đó, các ghe tàu vận chuyển hàng hóa, nông sản ra vào thuận lợi.

Trên các tuyến đường bộ hiện đang gặp một số vướng mắc khi vài địa phương đưa ra những quy định khắt khe trong công tác phòng, chống dịch đã khiến lưu thông hàng hóa gặp không ít khó khăn trong thời gian qua. Tại ĐBSCL, với việc xoay trục vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, DN trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa để tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics đảm bảo phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho người dân, DN trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động lớn đến nền kinh tế./.

toanld

Nguồn: VOV.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)