Thành phố Hồ Chí Minh: Cần khơi thông vốn cho công trình trọng điểm

Thứ hai, 20/09/2021 08:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn về vốn. Các cấp, các ngành đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn này, tìm cách khơi thông nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và đưa các công trình vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Dự án cầu Long Kiểng dừng thi công gần 2 năm nay
do vướng mắc về mặt bằng và vốn điều chỉnh dự án.

Vốn về dự án chậm

Theo Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, năm 2021, thành phố thực hiện 46 dự án giao thông trọng điểm, với tổng vốn đầu tư gần 245.000 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân tại các dự án giao thông trọng điểm từ đầu năm 2021 đến nay mới chỉ đạt khoảng 13,5% so với kế hoạch đề ra, tương ứng với hơn 546 tỷ đồng. Trong đó, các dự án dự kiến khởi công năm 2021 mới giải ngân được 16,7 tỷ đồng, đạt 4,7% kế hoạch năm; nhóm dự án đang thi công giải ngân khoảng 337 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch.

Đơn cử như dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đạt 87,5% khối lượng; đường Vành đai 2 - đoạn 3 (từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) đạt 44% khối lượng, nhưng đã ngừng thi công hơn một năm nay; đoạn 4 (từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh) chưa được bố trí kế hoạch vốn. Đáng chú ý là dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) chưa thể triển khai… Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên chỉ một số công trình cấp bách mới được thi công tại chỗ. Tại một số công trình trọng điểm khác, ngoài khó khăn do giải phóng mặt bằng thì còn gặp khó khăn vì thiếu nguồn vốn. Dự án đường Vành đai 2 ban đầu thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng gặp trở ngại nên thành phố chuyển sang đầu tư bằng ngân sách.

Còn với dự án Vành đai 3 (đi qua thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An), do nguồn vốn ngân sách của tỉnh Đồng Nai đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên tỉnh này đề nghị tính toán lại tổng chi phí đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Riêng UBND tỉnh Bình Dương chưa nêu rõ phương án huy động vốn.

Chung tình trạng, dự án xây dựng cầu Long Kiểng ngừng thi công gần 2 năm nay. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lương Minh Phúc (chủ đầu tư) cho biết, ban quản lý đang xin chủ trương từ UBND thành phố điều chỉnh tổng mức đầu tư khi đã vượt mức dự toán ban đầu. Trong khi đó, dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài vẫn chưa rõ nguồn vốn dự án được lấy từ đâu.

Huy động mọi nguồn lực

Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng thành phố Hồ Chí Minh Hà Ngọc Trường cho rằng, để thu hút nguồn lực đầu tư, thành phố cần có cơ chế rõ ràng, đặc biệt cơ chế về sử dụng đất để nhà đầu tư tham gia. Những dự án thành phố triển khai cần ứng vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư đối tác công tư (PPP) và các nguồn lực ngoài xã hội.

Để tránh tình trạng dự án kéo dài, gây đội vốn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Phan Công Bằng cho biết, Sở đã kiến nghị UBND thành phố ưu tiên bố trí kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 để triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách. Về tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thành phố đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải ngân vốn Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 1.952 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét phân bổ lại vốn ODA được cấp phát từ ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỷ đồng, để dự án thi công thông suốt.

Về dự án đường Vành đai 2, thành phố sẽ triển khai bằng cách lấy nguồn thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để khơi thông nguồn vốn; còn dự án đường Vành đai 3, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc huy động nguồn vốn ngân sách tham gia dự án. Với dự án cầu Long Kiểng, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xem xét ưu tiên bố trí vốn cho dự án để làm cơ sở thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Về tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình cho biết, đây là một trong 3 dự án vừa được thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Thủ tướng xem xét, chấp thuận bổ sung vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn 17.234 tỷ đồng...

Như vậy, việc tháo gỡ khó khăn về vốn vẫn còn nan giải. Do đó, các cơ quan chức năng của thành phố cũng như các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục chủ động tìm giải pháp phù hợp để hóa giải khó khăn, khơi thông bằng được nguồn vốn cho những công trình quan trọng này.

kimcuc

Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)