Đường Vành đai 4 là đường vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối TP Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Hướng tuyến theo quy hoạch của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố đề xuất dự án phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô; Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực 2 bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư dự án theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.
Phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030). Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...
Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố căn cứ các nội dung nêu trên chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ để trình tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa XVI xem xét, cho ý kiến về chủ trương triển khai dự án. Trên cơ sở ý kiến của HĐND thành phố, hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.