Bình Thuận nâng cấp hạ tầng, tạo 'bệ phóng' cho La Gi lên thành phố

Thứ sáu, 24/09/2021 08:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các chuyên gia nhận định, những dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, khi hoàn thành sẽ tạo thành đòn bẩy cho La Gi lên thành phố trước năm 2025.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi đã đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh trong nhiệm kì 2020-2025, kèm kiến nghị nâng cấp, mở rộng những tuyến đường quan trọng nhằm đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố.

Thị xã La Gi đang quyết tâm hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí
lên thành phố trước năm 2025

Thông tin từ Bình Thuận cũng cho biết, UBND Bình Thuận đã phê duyệt đầu tư hơn 2000 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị xã La Gi. Cụ thể, tỉnh sẽ mở rộng lộ giới Quốc lộ 55 chạy qua địa bàn La Gi, chi gần 200 tỷ đồng hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh. Bên cạnh đó, quảng trường tỉnh cùng hàng loạt dự án chỉnh trang các tuyến đường nội đô trị giá 300 tỷ đồng cũng được gấp rút đầu tư.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng trọng điểm như: sân bay, cao tốc, đường nối cao tốc, đường nối La Gi với thành phố Phan Thiết… cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ở thời điểm hiện tại, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đánh giá là công trình trọng điểm quan trọng nhất, sẽ thay đổi diện mạo kinh tế và du lịch cho La Gi. Cao tốc dài 99km, quy mô 6 làn xe, có tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng. Tiến độ thi công dự án tính đến nay đã đạt 83,78% kế hoạch năm 2021. Dự kiến cuối năm 2022, đại công trình này sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một trong những công trình quốc gia trọng điểm
mang đến lợi ích cho thị xã La Gi

Giới chuyên gia đánh giá, trong các khu vực của Bình Thuận có cao tốc đi qua, La Gi là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí ngay cửa ngõ của Bình Thuận - nơi đầu tiên tuyến cao tốc phải chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.

Để kết nối trực tiếp cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với La Gi, Bình Thuận đang triển khai hai trục đường kết nối cao tốc dần xuống QL1A ở khu vực huyện Hàm Tân. Theo đó, một trục sẽ nối cao tốc với ngã ba 46 trên QL1A, rồi từ đó đi thẳng đến thị xã La Gi theo QL55. Song song với trục này, trục đường còn lại cũng nối cao tốc với một điểm giao trên QL1A. Từ đó tiếp tục đi qua địa bàn các thị trấn, xã trên huyện Hàm Tân và kết nối vào QL55 để đến La Gi.

Song song đó, vào đầu năm 2021, cung đường ĐT719 dẫn từ thành phố Phan Thiết đến thị xã La Gi cũng đã được phê duyệt mở rộng lộ giới lên 32m. Dự án có vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Đây cũng là cung đường chính kết nối La Gi với sân bay Phan Thiết, bên cạnh tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Ngoài ra, sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự kiến trong năm 2022, sân bay Phan Thiết sẽ đi vào vận hành. Được biết, đây là sân bay trọng điểm của Bình Thuận có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Và với trục cao tốc, thời gian di chuyển từ sân bay Phan Thiết tới La Gi chỉ còn 1 giờ đồng hồ, giúp La Gi tiếp cận hàng triệu lượt du khách tiềm năng.

Sân bay Phan Thiết đã bắt đầu được thi công
từ tháng 4/2021, dự kiến về đích cuối năm 2022

Bên cạnh sân bay Phan Thiết, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành với công suất vận chuyển 25 triệu lượt hành khách mỗi năm cũng sẽ đưa vào vận hành trong năm 2025. Từ sân bay Long Thành, hàng triệu khách du lịch quốc tế và phía Bắc có thể dễ dàng đến với La Gi trong 1 tiếng thông qua tuyến cao tốc hoặc Quốc lộ 55.

Đáng chú là tuyến Quốc lộ 55 đi qua địa phận thị xã La Gi theo kế hoạch sẽ được nâng cấp vào cuối năm nay, với tổng mức đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt là 821 tỷ đồng. Tuyến đường dài 44km, trong đó có đoạn nối từ trung tâm thị xã La Gi đến trung tâm huyện Hàm Tân chiều dài khoảng 14km. Đây là trục xương sống kết nối thị xã La Gi với quốc lộ 1 và đường bộ cao tốc. Quốc lộ 55 là tuyến đường huyết mạch kết nối La Gi với các tỉnh Tây Nguyên và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này có điểm khởi đầu tại thành phố Bà Rịa, đi qua các huyện của Bà Rịa - Vũng Tàu, đến thị xã La Gi và các huyện của Bình Thuận và đến Bảo Lâm, Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư các công trình hạ tầng bổ trợ cho La Gi đạt mức trên 30.000 tỷ đồng.

hoavt

Nguồn: vietnamnet.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)