Dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Đông là công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực và tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai Dự án, tỉnh Ninh Bình đã quyết tâm cao trong công tác GPMB 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ- Mai Sơn và Mai Sơn- Quốc lộ 45. Đến tháng 7/2021, tỉnh Ninh Bình là 1 trong 4 địa phương trong tổng số 13 tỉnh có dự án đi qua hoàn thành GPMB toàn tuyến là 24,45.
Quá trình tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện GPMB 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Mai Sơn-Quốc lộ 45, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt quan tâm đến tiến độ triển khai dự án, thường xuyên cử các đoàn công tác về kiểm tra thực địa, tiến độ công trình và kiểm điểm các phần việc địa phương thực hiện.
Trong các cuộc làm việc với tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng của cả nước. Do đó, Chính phủ dành nhiều công sức, thời gian lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để hoàn thiện dự án.
Tại Ninh Bình, để triển khai thực hiện dự án, ngay từ đầu UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác GPMB do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác với 89 cán bộ, công chức thuộc 6 sở: Tài nguyên & Môi trường, Giao thông Vận tải; Tài chính, Tư pháp, Công thương, chia thành các tổ: Tổ chính sách, tổ văn bản, tổ vật kiến trúc, tổ đất đai để giúp các địa phương, nhất là Tam Điệp trong công tác GPMB.
Hàng tuần, bám sát tiến độ dự án cũng như phần việc, nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương có liên quan để có báo cáo cụ thể về Ban chỉ đạo và tổ giúp việc về kết quả thực hiện trong tuần; đánh giá kết quả; kiến nghị từng nội dung, hạng mục mà các đơn vị, địa phương chưa thực hiện được để có giải pháp giải quyết… Do đó, mọi vấn đề phát sinh hay những vướng mắc, khó khăn đều có sự chỉ đạo kịp thời từ Ban chỉ đạo tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Từ năm 2019 tỉnh bắt đầu triển khai công tác GPMB dự án Cao tốc Bắc- Nam đoạn qua Ninh Bình, nhưng tập trung chủ yếu từ năm 2021. Trong vòng 7 tháng (từ tháng 1/2021 đến tháng 7/2021), Ninh Bình đã hoàn thành GPMB, bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng giúp các địa phương ảnh hưởng bởi dự án thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, các chính sách đền bù GPMB của tỉnh đều thỏa đáng đối với người dân, việc bố trí tái định cư đảm bảo thuận tiện và tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các hộ dân bị ảnh hưởng…
"Nút thắt" trong công tác GPMB đã được tỉnh "tháo gỡ" một cách kịp thời mà cán bộ thực hiện nhiệm vụ và người dân, tổ chức ảnh hưởng bởi 2 Dự án nhắc đến nhiều chính là Nghị quyết số 09/2021/NQ- HĐND ngày 23/02/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp cùng thửa với đất ở nhưng không được xác định là đất ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Đoàn Văn Thuận, Chủ tịch UBND phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp) cho biết: Dự án đoạn qua phường Tân Bình có chiều dài hơn 3 km với 293 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích đất bị thu hồi là 125 ha. Ban đầu khi triển khai chủ trương, nhất là về mức giá đền bù đối với diện tích đất nông nghiệp cùng thửa với đất ở, nhiều hộ dân phản ứng vì mức giá đền bù quá thấp so với giá thực tế trong khi phần lớn diện tích bị thu hồi lại nằm trong diện này.
Chính Nghị quyết 09 được HĐND tỉnh ban hành kịp thời, đúng thời điểm với quy định cụ thể về đối tượng và mức hỗ trợ bằng 50% chênh lệch giữa giá đất ở với giá đất nông nghiệp đã giúp các địa phương ảnh hưởng bởi dự án giải quyết được vướng mắc trong GPMB.
Thực hiện Dự án, toàn tỉnh có 2.919 hộ dân, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng, phải bàn giao đất đai, nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu…để giải phóng mặt bằng. Điều này đồng nghĩa với việc đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cuộc sống sinh hoạt, công việc kinh doanh, buôn bán… có sự xáo trộn, thay đổi.
Điển hình như tại địa bàn thành phố Tam Điệp, dự án đi qua thành phố với diện tích GPMB là 125,64 ha qua địa bàn phường Tân Bình và 2 xã: Yên Sơn, Quang Sơn với 12 tổ chức, 621 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao có 163 hộ với 48,45 ha đất giao khoán bị ảnh hưởng.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Nếu tính về khía cạnh kinh tế, riêng diện tích đất Công ty thực hiện hợp đồng giao khoán cho người dân phải GPMB trung bình 1 năm sẽ cung cấp cho Công ty khoảng 2.500 tấn nguyên liệu. Khi mất vùng nguyên liệu cận kề này, Công ty phải phát triển vùng nguyên liệu ở các địa phương xa xôi như: Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty phải chịu các chi phí tăng thêm về xây dựng vùng nguyên liệu mới, chi phí vận chuyển…
Tuy nhiên, đứng trước lợi ích kinh tế của Công ty và chủ trương của trung ương, của tỉnh, đặc biệt là lợi ích lâu dài mà địa phương có được khi hoàn thành dự án cao tốc, không chỉ riêng ông Khuê mà cả tập thể HĐQT, ban lãnh đạo Công ty đều nhất trí cao với việc nhanh chóng triển khai chủ trương đến từng hộ dân nhận giao khoán nhằm tạo sự đồng thuận cao khi thực hiện.
Với cách làm mọi khâu đều đảm bảo công khai, minh bạch, chỉ trong 2 tháng tất cả 163 hộ có ký kết hợp đồng giao khoán với Công ty đều nhận thức đầy đủ quyền, trách nhiệm công dân đối với công trình trọng điểm quốc gia. Đến tháng 3/2021 công tác GPMB diện tích do Công ty quản lý đã hoàn thành sớm nhất, không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Người bị thu hồi nhiều nhất khoảng 2 ha, người ít khoảng 500 m2 nhưng ai nấy đều vui vẻ chấp hành.
Trao đổi với đồng chí Tống Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp được biết thêm: Để tạo sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân trong GPMB, kinh nghiệm của thành phố Tam Điệp trong các dự án trước đây và đối với dự án cao tốc Bắc- Nam là đều phải thực hiện đúng quy trình, từ: thành lập các tổ công tác để cụ thể hóa từng đầu việc, phần việc; Tiến hành làm việc trực tiếp với từng hộ để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân đều nắm bắt đầy đủ thông tin, chủ trương cũng như quyền lợi, trách nhiệm đi kèm; Công tác rà soát, kiểm đếm đảm bảo chính xác, khách quan, bám sát các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về GPMB phải kết hợp giải thích, hướng dẫn người dân về quy trình, thủ tục. Đồng thời, các ý kiến, kiến nghị đều được đối thoại trực tiếp và giải quyết từ cơ sở, tại nơi phát sinh…
Với cách làm công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định của pháp luật, 633/633 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức nằm trong phạm vi GPMB của dự án trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã nhất trí, đồng thuận, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công đảm bảo thời gian quy định.
Ông Đỗ Mạnh Hà, Phó Văn phòng điều hành Ban quản lý Dự án Thăng Long, Bộ GTVT đánh giá về công tác GPMB của tỉnh Ninh Bình đã khẳng định: Ban Quản lý dự án Thăng Long thuộc Bộ GTVT đã và đang triển khai nhiều dự án tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Tại Ninh Bình, Ban quản lý dự án hết sức ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình, sự đồng tình ủng hộ của người dân để công tác GPMB được hoàn thành sớm, giúp chủ đầu tư đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, nhiều hạng mục quan trọng của dự án thành phần Cao tốc Bắc- Nam đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 như: hầm Tam Điệp, đắp nền đường… vượt 1,68% so với tiến độ Ban phê duyệt… Đến ngày 21/9, sản lượng thực hiện của nhà thầu đạt 34,81% giá trị hợp đồng, nhanh 1,26% so với tiến độ thi công được duyệt.
Thực hiện dự án, toàn tỉnh có 481/2.919 hộ dân bị ảnh hưởng phải bố trí tái định cư. Cùng với việc tập trung GPMB, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu tái định cư để giúp người dân sớm về nơi ở mới, ổn định cuộc sống.
Giúp các hộ dân sau GPMB an cư, sớm ổn định cuộc sống, các địa phương ảnh hưởng bởi Dự án đều xác định rõ việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bố trí tái định cư là việc làm phải triển khai kịp thời từ việc ban hành quyết định, phê duyệt giá đất để giao đất tái định cư, triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức bốc thăm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao đất trên thực địa… Qua đó giúp các hộ dân bị ảnh hưởng sớm chủ động được phương án tạo lập chỗ ở mới sau GPMB.
Đến thăm nơi ở mới của các hộ dân thuộc khu tái định cư xóm 7, xã Mai Sơn, Yên Mô, chúng tôi khá bất ngờ vì hệ thống đường xá, thiết kế nhà cửa của các hộ dân nơi đây không khác các khu dân cư ở thành phố Ninh Bình chút nào.
Thấy phóng viên ghi hình, anh Vũ Thế Hào chạy ra "bắt chuyện" và anh rất sẵn sàng để chúng tôi hỏi chuyện. Anh Hào cho biết: Trước nhà cũ của tôi ở mặt đường quốc lộ chuyên kinh doanh đá mỹ nghệ. Khi có chủ trương GPMB, gia đình cũng lo lắng vì việc kinh doanh sẽ như thế nào nếu phải chuyển chỗ mới? Tuy nhiên, là đảng viên nên tôi luôn xác định phải gương mẫu, đi đầu. Gia đình tôi chính là hộ đầu tiên về dựng nhà tại khu tái định cư. Từ đó đến nay, nhiều hộ đã về làm hàng xóm với tôi…
Tại khu tái định cư thuộc tổ dân phố 8, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, ngôi nhà với diện tích gần 240m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Bình được xây dựng khang trang, vị trí "đầu ve" khá đẹp. Gặp ông và các con đang hoàn thiện nốt một số hạng mục cho sân nhà, ông Bình phấn khởi cho biết: từ tháng 5/2021 gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên ra khu tái định cư. Nếu nói xáo trộn thì chúng tôi chỉ khó khăn vì phải chuyển nơi ở mới. Còn lại tôi rất hài lòng với khu tái định cư: điện, đường khang trang chả khác gì phố, nhà mới cũng chỉ cách nhà cũ có 200 mét nên mọi sinh hoạt vẫn thuận tiện, công việc làm máy xay xát của gia đình vẫn duy trì tốt…
Chỉ vào đứa cháu đang chơi trong nhà, ông Bình bảo: đấy, thằng cháu tôi giờ ra khu ở mới nhưng việc đến trường hàng ngày cũng chẳng khác trước, đạp xe "vù" một cái là đến trường…
Ông Phạm Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Để giúp người dân ổn định cuộc sống sau GPMB, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Mô đặc biệt quan tâm hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư để các hộ có nhu cầu về nhà ở sớm triển khai xây dựng nơi ở mới. Bên cạnh đó, huyện cũng rất quan tâm phương án hỗ trợ những lao động mất việc làm do GPMB thông qua việc chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tại các khu, cụm công nghiệp, tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động và thị trường…
Là chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình GPMB tại địa phương, các cá nhân, tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án không chỉ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, mà luôn biết đặt lợi ích của cá nhân, gia đình, doanh nghiệp phù hợp trong lợi ích chung của tỉnh, vì sự phát triển của tỉnh. Sự đóng góp, chia sẻ trách nhiệm, hợp tác của người dân là rất đáng ghi nhận và là điều kiện tiên quyết để nhiều dự án trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thành công khi luôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong tỉnh.