Nỗ lực sớm thi công công trình cầu Rạch Miễu 2

Thứ năm, 30/09/2021 14:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cầu Rạch Miễu hiện hữu kết nối hệ thống giao thông đường bộ độc đạo Bến Tre với tỉnh Tiền Giang hiện nay đã quá tải. Cây cầu nơi cửa ngõ quan trọng bậc nhất của xứ Dừa.

Một điểm trên hướng tuyến xây dựng cầu Rạch Miễu 2 tại huyện Châu Thành

Dự án quan trọng

Cầu Rạch Miễu hiện hữu trên tuyến quốc lộ (QL) 60 được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009. Cầu có chiều dài 2,868km, rộng 12m, với quy mô 2 làn xe; là công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre, Tiền Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Khi dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến QL.60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, thì nhu cầu lưu thông trên tuyến đường này tăng cao, thường xuyên gây ách tắc giao thông, nhất là vào cuối tuần và các dịp lễ, Tết. Cầu Rạch Miễu thiết kế 6 ngàn lượt xe qua lại ngày đêm. Nhiều năm nay, lượt xe qua lại ngày đêm luôn ở mức 20 ngàn lượt. Hiện cầu Rạch Miễu đã mãn tải (khai thác hết tải trọng cho phép, vượt mức cho phép hơn 3 lần).

Trong thời gian tới, khi cầu Đại Ngãi được xây dựng và đưa vào sử dụng thì lưu lượng giao thông trên tuyến sẽ tiếp tục tăng nhanh. Cầu Rạch Miễu hiện hữu tiếp tục tăng áp lực phục vụ, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, sự lưu thông hàng hóa và khả năng kết nối các vùng không được đảm bảo. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông tại cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm tải cho QL.1. Đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư tuyến QL.60, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải địa phương giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đây là dự án nằm trên tuyến QL.60, trong tương lai tuyến đường này sẽ là trục hành lang ven biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm kết nối 6 tỉnh duyên hải phía Nam (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) với TP. Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước) và kết nối với vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tranh thủ đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020. Dự án sẽ do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tư công, tổng mức đầu tư 5.175,45 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Trung ương.

Thời gian triển khai thực hiện dự kiến từ năm 2021 - 2025 và được đưa vào khai thác trong năm 2026. Vị trí xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km về phía thượng lưu. Điểm đầu giao cắt giữa QL.1 với đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với QL.60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,61km (trong đó cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền là phần cầu chính thiết kế cầu dây văng với nhịp chính dài 270m, bề rộng mặt cầu 17,5m; chiều dài các cầu dẫn khoảng 2km, chiều rộng 20,5m). Quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ); vận tốc thiết kế 80km/h.

Khi công trình cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ đảm bảo kết nối thuận lợi cho cư dân hai bên tuyến đường dẫn vào cầu, tạo điều kiện cho người dân buôn bán, sản xuất, kinh doanh, nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ không còn bị ách tắc giao thông, giảm thời gian hành trình, tiết kiệm chi phí cho các phương tiện lưu thông (rút ngắn khoảng cách xuống 80km so với tuyến QL.1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau về TP. Hồ Chí Minh và ngược lại).

Chính sách bồi thường

Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 khoảng 35,82ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 30,4ha; diện tích đất ở 1,55ha và 3,87ha đất phi nông nghiệp (gồm đất giao thông, đất thủy lợi và đất sông, rạch…). Với khoảng 800 hộ, 3.600 nhân khẩu thuộc địa bàn các xã Phú Túc, An Khánh, Tường Đa (Châu Thành) và xã Sơn Đông, Bình Phú (TP. Bến Tre).

Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 được thực hiện theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1088/TTg-CN ngày 20/8/2021 như sau:

Giá đất để tính bồi thường cho hộ dân thuộc diện thu hồi được áp dụng giá cụ thể theo từng loại đất do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất (theo khoản 2, Điều 74; điểm đ, khoản 4, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013). Theo đó, đất ở: dự kiến giá từ 927 ngàn đồng/m2 đến 3,08 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp dự kiến giá từ 338 ngàn đồng/m2 đến 2,42 triệu đồng/m2.

Theo quy định tái định cư được bố trí bằng đất ở, hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư. Có hai hình thức tái định cư. Đó là hình thức tái định cư phân tán và tái định cư tập trung. Trong đó, hình thức tái định cư tập trung sẽ được xây dựng ngay trong phạm vi dự án có người dân bị ảnh hưởng phải di dời.

Tiến độ thực hiện: Cấm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho địa phương dự kiến quý IV/2021; thông báo thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm dự kiến quý IV/2021; lập thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến quý I/2022; quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đồng thời với quyết định thu hồi đất, tiến hành chi trả tiền cho hộ dân, tổ chức có thiệt hại trong vùng dự án và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án dự kiến quý II-2022.

kieuanh

Nguồn: Báo Đồng khởi

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)