Sau hơn một năm thi công, nút giao Đầm Nhà Mạc - nút giao lớn nhất Quảng Ninh mới chỉ đạt được trên 30% khối lượng các hạng mục, liên tiếp những khó khăn trong quá trình tổ chức thi công đã khiến công trình không đảm bảo tiến độ đặt ra.
Nhà thầu thực hiện nạo vét bùn trong giới tuyến đường nhánh.
Nút giao Đầm Nhà Mạc là công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh, kỳ vọng sau khi hoàn thành, sẽ mở ra không gian kết nối thuận lợi các KCN, các đô thị phía Tây của tỉnh với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, thúc đẩy phát triển KKT ven biển Quảng Yên.
Nút giao được thiết kế khác mức liên thông dạng hoa thị hoàn chỉnh quy mô công trình cấp II, dự án nhóm B với 8 nhánh rẽ có tổng chiều dài 8,095km, tổng mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, được triển khai trên diện tích 83,4ha. Đây cũng là điểm nối dự án đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại Km20+050, phạm vi chiều dài bám cao tốc là 1,57km.
Công trình Nút giao bao gồm các hạng mục: Mở rộng nền, mặt đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tạo làn tách, nhập rộng 8,25m; các tuyến nhánh nối với đường ven sông (nhánh 5.1 và 5.2) thiết kế theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe, chiều rộng nền đường 46,5m; các tuyến nhánh còn lại thiết kế 2 làn đường có chiều rộng 11,75m; cải tạo hầm chui cao tốc; thi công hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng và ATGT. Dự án được khởi công tháng 9/2020, hợp đồng hoàn thành sau 22 tháng thi công.
Tuy nhiên đến nay, đã 13 tháng tổ chức thi công, dự án mới đạt trên 30% khối lượng các hạng mục. Cụ thể, hạng mục đắp đất, cát nền mới đạt 74.548/229.329m3 bằng 32%; công tác xử lý nền đất yếu mới đạt khoảng 25%; thi công cọc xi măng đất đạt 55%. Riêng hạng mục hầm chui cao tốc đã hoàn thành đổ bê tông, song hạng mục đắp đất 2 đầu hầm chui, khối lượng đạt khoảng 40% do vướng hạ tầng đường dây điện trung thế. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7/2022, như vậy, các nhà thầu chỉ còn 9 tháng nữa để hoàn thành gần 70% khối lượng các phần việc còn lại, tiến độ hiện tại đang chậm so với kế hoạch đề ra.
Ông Phạm Xuân Thuỳ, Phó Chỉ huy Trưởng công trường cho biết: Bám sát tiến độ chỉ đạo của tỉnh, nhà thầu đang tập trung nhân lực, phương tiện để đẩy mạnh thi công toàn diện các hạng mục. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thi công, dự án liên tiếp gặp khó khăn, như: Nền đường các tuyến nhánh đi qua nhiều vị trí địa hình phức tạp với nhiều ao, đầm, nền đất yếu; nguồn nguyên vật liệu đất đắp thiếu, vận chuyển xa công trường. Đặc biệt, khó khăn nhất là mặt bằng thi công, đến nay diện mặt bằng nhà thầu nhận được chỉ mới đạt được khoảng 20% rất khó để thi công liền mạch...
Nút giao Đầm Nhà Mạc, được triển khai trên diện tích 83,4ha, song phần lớn diện tích của dự án đang vướng cây rừng, đầm của người dân địa phương và vướng hạ tầng đường dây điện trung thế của BOT cầu Bạch Đằng chạy dọc chân ta luy phải đường cao tốc vẫn chưa được di dời. Vì thế, giai đoạn hiện tại, nhà thầu mới chỉ tập trung thi công tại các hạng mục đã có mặt bằng khoảng 20%.
Đáng nói cả 8 nhánh nút giao Đầm Nhà Mạc đều nằm trên vị trí nền đất yếu, có chỗ bùn dày đến trên 20m. Để xử lý, biện pháp thi công được lựa chọn là sẽ áp dụng cọc cát, bấc thấm. Tuy nhiên, phương án này, dự kiến thời gian tắt lún sẽ mất khoảng 10 tháng. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tốc độ lún tại vị trí thi công khá phức tạp, lún không ổn định, do vậy, công tác xử lý phải được triển khai theo từng giai đoạn, tại từng vị trí thực tế, nếu không, nguy cơ phá vỡ kết cấu khối nền phía dưới sẽ không thể sửa chữa được nền đường...
Như vậy, nếu tính từ thời điểm có mặt bằng sạch để tổ chức thi công, nhà thầu cần phải mất thêm trên một năm để thi công. Thời gian 9 tháng còn lại, hoàn thành vào tháng 7/2022 rất khó để thực hiện. Vì thế, để nút giao lớn nhất tỉnh sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả sau đầu tư, rất cần sự vào cuộc, quan tâm của các đơn vị, địa phương có liên quan, nhanh chóng đảm bảo mặt bằng sạch, triển khai dự án, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, liên kết phát triển khu vực phía Tây cũng như tỉnh Quảng Ninh.