Hợp lý hóa luồng tuyến, điểm dừng đỗ, vùng phục vụ; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhân viên; đầu tư lắp đặt hệ thống GPS, camera giám sát hành trình; tích cực bảo dưỡng, thay mới các thiết bị, phương tiện hư hỏng… Đó là những giải pháp mà Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo, triển khai để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8 tuyến xe buýt công cộng với trên 60 xe. Thời gian qua, bên cạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp (DN), đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi quay trở lại hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới như tuân thủ về số chuyến, biểu đồ chạy, số lượng hành khách lên xe và các yêu cầu khử khuẩn trước và sau khi hoạt động…
Sở GTVT còn chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành, DN vận tải hành khách công cộng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để ngày càng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Điển hình là việc UBND tỉnh chấp thuận cho mở mới tuyến xe buýt VP-10 (Bến xe Lập Thạch - Phúc Yên) theo Quyết định số 707. Sở GTVT đang chuẩn bị các điều kiện để mở tuyến mới tuyến xe buýt VP-10 bằng hình thức đấu thầu, thời gian thực hiện vận hành trong năm 2022. Cải tạo, xây dựng mới, nhà chờ, điểm đón trả khách phục vụ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã đề xuất UBND tỉnh cho sửa đổi bổ sung Điều 9 của Quyết định số 18/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh với nội dung: “Miễn vé tháng đi lại cho trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi (trên 60 tuổi); giảm 40% giá vé tháng cho người có công với cách mạng, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, công nhân tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam trên địa bàn tỉnh”.
Việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Quyết định số 18/2018 về việc ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh sẽ khuyến khích người tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt ước tăng lên khoảng 14.800 lượt người/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến xe buýt gồm: VP-01, VP-03, VP-04, VP-05, VP-06, VP-07 đi vào trung tâm thành phố Vĩnh Yên. Hầu hết các tuyến này đều có lộ trình di chuyển đi qua đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Văn Linh trong các khung giờ cao điểm, gây ùn tắc giao thông, không đảm bảo thời gian thực hiện lộ trình.
Trong khi đó, tuyến VP-04 theo lộ trình hiện nay hay bị ùn tắc, di chuyển khó khăn tại khu vực thuộc xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc). Tuyến VP-08 theo lộ trình hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của công nhân trong KCN Bá Thiện 2.
Vì vậy, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 2859/2021 đề nghị UBND tỉnh cho điều chỉnh lộ trình 5 tuyến xe buýt (VP-03 Vĩnh Yên - Tam Sơn; VP-04 Vĩnh Yên - Cao Đại; VP-06 Vĩnh Yên - Quang Sơn; VP-07 Vĩnh Yên - Bồ Lý; VP-08 Phúc Yên - Bến xe Vĩnh Tường) được UBND tỉnh giao Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất theo đúng quy định.
Việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, thông qua sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trong các khung giờ cao điểm, biểu đồ chạy qua các KCN phục vụ công nhân tạo thuận lợi cho các DN cắt giảm lượng xe hợp đồng chở công nhân tự phát.
Thời gian tới, ngành GTVT Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư thích hợp vào các điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng đỗ dọc tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho xe buýt dừng đỗ, ra vào đón, trả khách thuận tiện và đảm bảo an ninh trật tự trên xe, trên tuyến cho hoạt động của xe buýt.
Nâng cao tay nghề, trình độ đào tạo về văn hóa ứng xử cho đội ngũ lái xe và phụ xe. Thường xuyên bảo dưỡng sửa chữa để duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện; đầu tư, đổi mới, bổ sung phương tiện, loại bỏ các phương tiện đã quá cũ hoặc đã sử dụng lâu năm, tình trạng máy móc, kỹ thuật đã xuống cấp hay hư hỏng.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tốt các tiêu chí phục vụ hành khách như chạy đúng lộ trình, dừng đón trả khách đúng quy định, chất lượng phương tiện; thái độ phục vụ...
Tăng cường kênh thông tin qua trang website, đường dây nóng (hotline) để tiếp nhận phản hồi từ phía khách hàng về chất lượng dịch vụ xe buýt. Tiếp tục ứng dụng công nghệ GPS vào quản lý điều hành, kiểm soát và khắc phục các sự cố trên tuyến như tắc đường, hư hỏng phương tiện, vi phạm lộ trình…
Từ đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.