Với phương châm “Giao thông luôn phải đi trước một bước tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội”, các địa phương trong tỉnh đã dồn lực thực hiện Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh về bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Sau 11 tháng triển khai, toàn tỉnh đã làm trên 206 km đường bê tông nông thôn, đường nội đồng, dự kiến về đích sớm.
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo của Sở GTVT, đến ngày 12/11, toàn tỉnh đã hoàn thành 206,1/223 km đường bê tông nông thôn, đạt 92,4% kế hoạch năm 2021, trong đó đường thôn 102,9/108 km đạt tỷ lệ 95,3%; đường nội đồng 103,2/115 km, đạt tỷ lệ 89,7%. Các huyện, thành phố đều nỗ lực triển khai và đạt kết quả tốt. Trong đó nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch năm, như Na Hang, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang. Các địa phương còn lại cũng đang chạy nước rút về đích, như Lâm Bình 18 km, đạt 96% kế hoạch; Hàm Yên 43,25 km, đạt trên 90% kế hoạch; Sơn Dương trên 40 km, đạt trên 93% kế hoạch; Chiêm Hóa 28,8 km, đạt 77,6% kế hoạch.
Đổi mới phương pháp triển khai thực hiện, trong năm 2021, xây dựng đường bê tông nông thôn ở Yên Sơn đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, được nhân dân đón nhận và hưởng ứng tích cực... Huyện đã hoàn thành trên 61 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhiều nhất tỉnh.
Tuyến đường dài trên 500 m, rộng 5 m vượt qua đồi ở thôn Nhữ Khê, xã Nhữ Khê được làm từ sự hỗ trợ Nghị quyết 55 và sự chung sức của người dân. Dẫn chúng tôi đi trên những nhánh đường trục thôn đã được đổ bê tông sạch sẽ, ông Lý Văn Đồng, Trưởng thôn Nhữ Khê, phấn khởi nói: Đến nay, hầu hết các đường trục chính trong thôn đã được đổ bê tông sạch sẽ. Bà con trong thôn sẽ không phải đi lại trên những đoạn đường bị lầy lội trong mùa mưa như những năm trước nữa. Có được thành quả này là nhờ sự quan tâm của tỉnh thông qua việc hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn...
Đường thôn 2, xã Tân Long (Yên Sơn) được bê tông khang trang
Ở xã Tân Long, hầu hết các đường trục chính đều đã được mở rộng và đổ bê tông sạch sẽ, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con. Có thể nói, năm 2021 là năm phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Tân Long sôi nổi hơn bao giờ hết. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Thuật bảo, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nguồn thu của người dân bị ảnh hưởng, triển khai thực hiện làm đường bê tông vào khu sản xuất hàng hóa, đường nội đồng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” người dân tự giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi và ngày công tính ra nhiều tỷ đồng. Do vậy, nếu không có giải pháp triển khai linh hoạt, phù hợp, quyết liệt thì khó hoàn thành. Đến hết tháng 10/2021, xã đã hoàn thành trên 10 km với hàng trăm hộ hiến trên 20.000 m2 đất mở đường, hoàn thành tiêu chí giao thông góp phần đưa xã về đích nông thôn mới cuối năm 2021.
Huyện Lâm Bình hoàn thành gần 18,5/19 km, trong đó, đường bê tông nông thôn 7,3 km, đạt trên 96% kế hoạch; đường bê tông nội đồng 11,22 km, đạt 96% kế hoạch năm 2021. Còn 0,5 km các địa phương trong huyện tích cực triển khai, đảm bảo hoàn thành trong năm. Xã Phúc Yên đã hoàn thành 2,3 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng trong tháng 10-2021. Đồng chí Chẩu Văn Đội, Chủ tịch UBND xã cho biết, triển khai sớm và quyết liệt là một trong những biện pháp giúp xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh. Cùng với đó là việc tuyên truyền nghị quyết đến với người dân, tranh thủ sự đồng tình từ nhân dân.
Vì thế cả xã đã có trên 20 hộ hiến 2.200 m2 đất làm đường. Điển hình như ở thôn Bản Bon, sau khi triển khai Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh, người dân đã chủ động giải phóng mặt bằng, san ủi nền đường khi được cấp xi măng là tiến hành đổ bê tông luôn. Ông Chúc Đức Thanh, người đã tự hiến gần 250 m2 đất vườn mở rộng nền đường đủ 5 m cho biết, ông cũng như người dân ở đây mong có con đường khang trang, sạch sẽ để con cháu đi học và giao thương hàng hóa nên khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng cả thôn đều sẵn sàng hiến đất, tham gia đóng góp 550 nghìn đồng tiền mặt để thôn có kinh phí làm đường bê tông theo đúng kế hoạch.
Sức mạnh từ nhân dân
Sơn Dương phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa trong làm đường bê tông nông thôn. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Huyện thực hiện rà soát các xã có nhu cầu làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, với phương châm nơi nào người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng, có điều kiện cùng chung sức với Nhà nước thì làm trước. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, cung ứng vật liệu kịp thời, huyện đẩy mạnh xã hội hóa vận động lực lượng lao động của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... hành động chung sức làm đường với các nội dung, hình thức chung sức như: Đóng góp ngày công san nền, đắp lề đường, các doanh nghiệp hỗ trợ máy móc, múc, lu, trộn bê tông, gạt nền...
Xã Tú Thịnh đã hoàn thành 13 km đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng. Đồng chí Nguyễn Quý Cảo, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Có được kết quả này là nhờ sức mạnh từ nhân dân. Người dân thực sự đã thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng các tuyến đường thôn, đường đồng. Nhiều hộ đã hiến đất, phá bờ rào, ủng hộ tiền mặt. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, người dân đã đóng góp gần 1,5 tỷ đồng và hiến trên 5.000 m2 đất làm đường.
Không chỉ ở các xã về đích nông thôn mới, mà ở các xã vùng sâu, vùng xa, phong trào hiến đất làm đường đã nở rộ. Những người Mông, người Tày ở thôn Nà Dầu, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) giờ vẫn truyền tai nhau chuyện ông Cư Seo Chính tiên phong hiến trên 175 m2 đất làm đường giao thông. Chỉ có 2 ha rừng và 3 sào ruộng phục vụ sản xuất, nuôi 8 khẩu, nhưng khi nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông, ông Chính đã vận động gia đình chặt keo 4 năm tuổi, giải phóng mặt bằng để làm đường.
Ông bảo, vất vả vì đường giao thông đi lại khó khăn, nay được nhà nước có chủ trương xây dựng, gia đình ông đã quyết định hiến 176 m2 đất vườn góp cùng nhà nước hoàn thiện tuyến đường. Việc làm của ông Chính đã lan tỏa cả thôn, những hộ chưa đồng ý giải phóng mặt bằng trước đó đã theo ông Chính hiến đất, lùi rào với số đất trên 1.120 m2 để làm đường. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, 9/9 hộ thôn Nà Dầu đều đồng thuận hiến đất. Điển hình một số hộ có diện tích hiến nhiều như gia đình ông Cư Seo Chính, 176 m2; ông Lương Văn Chăng 167,5 m2; ông Giàng Seo Hòa 150 m2...
Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà chia sẻ: Là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, thế nhưng khi triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thôn bản, nhất là đường giao thông nông thôn... nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ sự đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường bê tông nông thôn đã hình thành. Những tuyến đường mới đã tăng kết nối giữa các thôn với thôn, thôn với xã. Ý nghĩa hơn là đã có sự gắn kết của bà con dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa, hy vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Qua kết quả đạt được sau 11 tháng triển khai, Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh cho thấy, Nghị quyết đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng nông thôn trong tỉnh.