Thái Nguyên: Phát triển hạ tầng giao thông - tạo đột phá phát triển kinh tế

Thứ tư, 24/11/2021 13:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm vừa qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển vượt bậc, trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước. Đóng góp vào thành tựu chung đó có vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại.

Ngược lại thời gian cách nay khoảng 10 năm, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hình thành những tuyến giao thông đối ngoại: Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 1B…Tuy nhiên, hệ thống giao thông trên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển. Nói theo cách khác hệ thống giao thông đối ngoại của Thái Nguyên chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Nguyên nhân là hầu hết các tuyến đường này đã xuống cấp, mặt đường chưa đủ rộng để lưu thông hàng hóa. Trong số đó, Quốc lộ 3 là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội với Thái Nguyên; đồng thời nối liền vùng Thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đã quá tải, mặt đường xuống cấp, mất an toàn giao thông. Chính nút thắt giao thông đã hãm đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thái Nguyên. Mặc dù đã có nhiều cố gắng xong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt một con số, cụ thể giai đoạn 2011 - 2013 chỉ đạt 6,55% trong khi mục tiêu đặt ra của cả giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng 12-13%.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, tỉnh Thái Nguyên xác định muốn đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững thì giao thông phải đi trước một bước. Điều đó có nghĩa hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh phải xứng tầm là cửa ngõ của vùng trung du và miền núi phía Bắc, giao thông phải tạo ra lực hút các nhà đầu tư vào Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng.

Từ quyết tâm đó, tỉnh Thái Nguyên một mặt huy động nội lực trong tỉnh, mặt khác kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đầu tư nguồn lực cùng với Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, đặc biêt là Quốc lộ 3, giúp tháo gỡ nút thắt, rào cản để khai mở những tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng.

Đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Năm 2014, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài trên 60km được thông xe, tiếp đó các tuyến quốc lộ được đầu tư mở rộng và nâng cấp đã tạo thành cú hích mạnh mẽ, khơi thông dòng chảy tạo ra thế và lực mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Tập đoàn Samsung và hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhìn thấy tiềm năng và lợi thế, nhanh chóng quyết định đầu tư. Kết quả trong 2 năm 2014, 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Thái Nguyên đạt từ 29 đến 33,2%, góp phần hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 (đạt bình quân 15,9%). Vốn đầu tư ngoài xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 200 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2015 đạt trên 7.400 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010. Từ năm 2010 đến năm 2020 kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 15.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng trên 7.600 tỷ đồng so với kết quả thực hiện năm 2015.

Đánh giá về kết quả này, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Đây là một bước tiến dài về kinh tế - xã hội đáng tự hào của tỉnh Thái Nguyên. Nếu như Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 3 sau nâng cấp đã chắp cánh cho Thái Nguyên phát triển công nghiệp, thì trong giai đoạn mới 2021 - 2025 những tuyến đường mới mở ra phải chắp cánh cho Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ thương mại, dịch vụ và du lịch. Mục tiêu tạo ra động lực mới, sức bật mới từ những công trình giao thông được đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng kiểm tra các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Hiện thực hóa mục tiêu này, ngày từ năm đầu của giai đoạn mới 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo khảo sát, đề xuất, quyết định đầu tư nhiều dự án giao thông huyết mạch, trong đó phải kể đến: Tuyến đường kết nối Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang; tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; tuyến đường Vành đai V; đầu tư nâng cấp đường tỉnh ĐT 266, đường tỉnh ĐT 261 và hàng loạt các công trình dự án giao thông nội thành, nội thị… với tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Những tuyến đường này sẽ tăng cường kết nối phát triển liên tỉnh, liên vùng khai thác tiềm năng thế mạnh tiếp tục khai mở những tiềm năng, thế mạnh, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch liên vùng, liên tỉnh, sườn đông Tam Đảo của tỉnh Thái Nguyên và của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh phục vụ mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đến nay, nhiều công trình dự án đã và đang được triển khai trên thực địa hoặc đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phần đấu về đích trước kế hoạch đưa vào khai thác ngay đầu năm 2022 và năm 2023.

Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, những khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, vật liệu san lấp…các đơn vị thi công luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Do vậy công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị thi công được chặt chẽ, hiệu quả; những khó khăn đã khẩn trương được tháo gỡ, tiến độ thi công các hạng mục công trình được đẩy nhanh.

Có thể nói, các dự án giao thông đã, đang và sẽ được triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là những dự án thể hiện quyết tâm, tư duy, tầm nhìn, khai mở những tiềm năng và hiện thực hóa ước mơ tạo lên sức bật mới cho cho kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên phát triển./.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)