Vận tải Vĩnh Phúc trong dòng chảy 25 năm

Thứ sáu, 24/12/2021 11:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Không chỉ là ngành dịch vụ, tham gia vào việc cung ứng vật tư kỹ thuật, nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, ngành vận tải Vĩnh Phúc còn đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại giao thương của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT- XH của tỉnh trong suốt chặng đường phát triển 25 năm từ khi tái lập.

Loại hình vận tải bằng xe taxi phát triển mạnh, phương tiện vận tải được đầu tư đồng bộ
với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Công ty TNHH taxi Thiên Đức
phát khẩu trang miễn phí để đảm bảo an toàn cho tài xế và hành khách.

Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều khó khăn, bất cập. Khối lượng vận chuyển hàng hoá mới chỉ đạt 6 triệu tấn hàng/năm; luân chuyển 282 triệu tấn km. Vận tải hành khách đạt 2,89 triệu lượt; luân chuyển 279 triệu hành khách km.

Toàn tỉnh mới chỉ có gần 1.000 phương tiện vận tải chuyên nghiệp. Thành phần tham gia vận tải hàng hóa chưa đa dạng, chủ yếu do tư nhân, cá thể đảm nhận, hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún; các loại hình vận tải công cộng, hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ vận tải chưa phát triển…

Xác định phát triển giao thông vân tải (GTVT) đồng bộ, lâu dài, góp phần đắc lực cho phát triển KT - XH, Sở GTVT đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh xây dựng nhiều Đề án, Chương trình, Kế hoạch phát triển GTVT dài và ngắn hạn, phù hợp với từng thời điểm như Quy hoạch Phát triển GTVT từ năm 1997- 2010; Quy hoạch Phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch các tuyến xe buýt giai đoạn 2007 - 2010 định hướng tới năm 2020; Đề án Quy hoạch hệ thống điểm đỗ xe buýt, xe taxi, bến xe khách và điểm đỗ xe tĩnh...

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động vận tải cạnh tranh bình đẳng; duy trì và khai thác thêm các luồng hàng, luồng tuyến; đổi mới, đầu tư thêm phương tiện hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Đến nay, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa.

Giai đoạn 2015 - 2020, khối lượng vận chuyển hàng hoá đã đạt 161 triệu tấn hàng, tăng 27 lần; luân chuyển đạt 11.085 triệu tấn Km, tăng 39 lần so với giai đoạn 1997 - 2000.

Vận tải hành khách đạt 90 triệu lượt hành khách, tăng 31 lần; luân chuyển đạt 6.625 triệu HK.km, tăng 24 lần so với giai đoạn 1997 - 2000; doanh thu hoạt động kinh doanh vận tải đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 đơn vị vận tải với 6.040 xe tải, xe container; 100 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại từ Vĩnh Phúc tới khắp các tỉnh, thành trên cả nước; hơn 4.000 xe taxi; 8 tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt với 66 xe hoạt động.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của hành khách thông qua việc đầu tư 89 điểm dừng, đỗ trả khách; 9 bến xe khách ở các huyện, thành phố; gần 300 điểm đỗ xe buýt, 24 điểm đỗ xe taxi, 55 điểm dừng đón trả khách xe tuyến cố định đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.

Ngoài ra, đối với các loại hình vận tải khác cũng phát triển đa dạng, toàn tỉnh có 8 bến khách ngang sông, 3 bến khách Khu du lịch, 43 bến hàng hóa; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai với chiều dài hơn 30 km chạy qua địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi rất lớn cho Vĩnh Phúc phát triển đồng bộ KT - XH.

Trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngành GTVT Vĩnh Phúc đã kịp thời hướng dẫn người dân kê khai thông tin để được cấp giấy “luồng xanh” hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng của DN, được Bộ GTVT đánh giá là một trong những đơn vị cấp nhanh, kịp thời nhất trong cả nước.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, nắm bắt thông tin hành trình, nơi xếp dỡ hàng hóa và cấp độ dịch do địa phương công bố. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát giao thông và kiểm tra y tế phòng dịch, tạo thuận lợi cho DN, người dân trong lưu thông hàng hóa.

Các DN ngành vận tải còn tham gia hỗ trợ đưa người dân từ vùng dịch cách tỉnh miền Nam khi qua Vĩnh Phúc; trưng dụng tuyến xe buýt VP-01 để chở công dân đi cách ly và một số tuyến xe buýt khác đưa đón công nhân đi làm tại các KCN trên địa bàn tỉnh…

Vượt qua những thách thức, khó khăn của dịch Covid - 19, đến hết năm 2021, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.300 tỷ đồng; khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 34.576 nghìn tấn; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 2.900 triệu tấn.km,…


Thiết kế quy hoạch và kiến trúc công trình bến xe tỉnh Vĩnh Phúc nhằm đổi mới,
nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt,
đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân

Theo dự báo đến năm 2025, vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 29,4 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 2,3%/năm, vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 46,6 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 5,3%/năm.

Ngành GTVT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025” đặc biệt là việc mở mới tuyến xe buýt VP-10 (Bến xe Lập Thạch - Phúc Yên), dự kiến sẽ dược vận hành trong năm 2022.

Đồng thời, điều chỉnh lộ trình một số tuyến xe buýt và thực hiện miễn, giảm giá vé đi xe buýt đối với một số đối tượng nhằm thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Triển khai xây dựng công trình Bến xe khách Vĩnh Phúc tại xã Quất Lưu (Bình Xuyên) với tiêu chuẩn bến xe loại I theo quy chuẩn quốc gia QCVN 45:2012/BGTVT.

Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách thuận lợi để kêu gọi thu hút đầu tư xã hội hóa vào hệ thống cảng sông nhằm tăng cường, thúc đẩy hình thức vận tải giữa đường thủy và đường bộ, đường sắt.

Đa dạng hóa các hình thức vận tải, phát triển vận tải và dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn, tin cậy, nhanh chóng, tiện nghi và thân thiện với môi trường.

Ứng dụng sâu rộng các công nghệ số hiện đại vào trong hoạt động quản lý, giám sát giao thông; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng tiến tiến, hiện đại.

hoavt

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)