Cùng với sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, các tỉnh miền núi có cách làm sáng tạo huy động nguồn lực phát triển giao thông.
Hiến hàng nghìn mét đất ở, đất vườn để mở đường
Nhiều năm qua, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.
Chỉ sau mấy năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của xã vùng cao Lùng Thẩn thuộc huyện nghèo được hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ Si Ma Cai (Lào Cai) đã thay đổi rõ rệt. Tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn đã được đổ bê tông, mặt đường rộng từ 3 đến 4 m, xe tải nhỏ đi lại dễ dàng, không còn là đường đất, hay mặt đường bị bong tróc, lồi lõm, đi lại trơn trượt vào mùa mưa như trước.
Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, Hảng Seo Toán hào hứng kể về những cá nhân tự nguyện hiến hàng nghìn mét đất ở, đất vườn để mở đường, như: ông Sùng Seo Seng ở thôn Lênh Sui Thàng, hiến hơn 5.000 m2; ông Vàng Seo Din, ở thôn Lùng Sán, hiến 8.000 m2…Sau khi làm tuyến đường liên thôn, người dân Lùng Sui giúp nhau làm tiếp đường bê tông từ thôn vào đến sân từng gia đình.
“Hạ tầng giao thông tốt tạo điều kiện thuận tiện để người dân đầu tư phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa. Từ đó, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng”, ông Toán cho hay.
“Phát triển hệ thống GTNT miền núi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm chung tay thực hiện xây dựng phát triển bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn lực, nhưng trước hết phải khơi dậy tinh thần tự chủ của địa phương và tầng lớp nhân dân", ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN.”
|
Ông Ðình Hạnh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Si Ma Cai cho hay, nhờ đổi mới phương thức tuyên truyền, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng nên người dân đã thấy việc làm đường mang lại lợi ích rất lớn cho gia đình và cộng đồng.
“Nhân dân của huyện đã tự nguyện hiến 117 nghìn mét đất sản xuất, đất ở, 525 triệu đồng và hơn 1.400 ngày công để làm đường. Nhờ vậy, 5 năm qua, huyện đã mở mới và nâng cấp 446 km đường giao thông liên thôn, đường nội đồng, ngõ, xóm; tất cả các thôn, bản đều có đường bê tông đến trung tâm thôn; 80% số thôn, bản cứng hóa đường giao thông nội đồng, ngõ, xóm; 8 trên tổng số 10 xã và thị trấn của huyện đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới”, ông Hạnh cho hay.
Các huyện miền núi, biên giới của các tỉnh như Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông trên quan điểm ưu tiên vùng khó, vùng trọng điểm biên giới và giao thông đi trước tạo đà cho nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) Vương Thế Mẫn cho biết, huyện có gần 600 km đường GTNT, nếu trông chờ vào ngân sách nhà nước đầu tư thì rất lâu nữa người dân mới được đi lại thuận lợi. Trong những năm qua, người dân trong huyện đã góp hơn 100 ha đất, hơn 230 nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng cùng Nhà nước hoàn thiện hệ thống giao thông thôn, bản. Ðến nay, hơn 60% số đường liên bản, đường nội bản, đường ra khu sản xuất được cứng hóa, các xã đều có đường ô tô đến trung tâm.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc phát triển mạnh, nhiều công trình GTNT được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, giảm sâu số xã chưa có đường đến trung tâm xã, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường. Hệ thống đường địa phương dài hơn 600.000 km, tăng gần 90% so với năm 2010.
Đa dạng nguồn lực phát triển giao thông nông thôn, miền núi
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Điệp cũng cho hay, đây cũng chỉ là kết quả bước đầu, phần lớn tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, địa hình khó khăn, nguồn lực của Nhà nước cũng như địa phương đầu tư chưa đáp ứng nhu. Việc huy động vốn trong dân, trong cộng đồng dân cư và của doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ cứng hóa ở các khu vực trung du, miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và vùng sâu vùng xa còn thấp, mới đạt khoảng 50%.
Nguyên nhân được ông Điệp chỉ ra là do khu vực nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp, chia cắt. Trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng, vốn bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa lớn, nhưng thu ngân sách của các địa phương nhỏ, thu nhập người dân ở nhiều khu vực còn thấp dẫn đến việc huy động sự đóng góp của người dân hạn chế.
Mục tiêu đưa ra là đến năm 2030, cứng hóa đường các loại đường GTNT đạt trên 95%, trong đó đường huyện đạt 100%. Trong đó, tập trung cứng hóa đường GTNT tại các tỉnh khu vực có địa hình khó khăn, dân cư sinh sống rải rác.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT sẽ chú trọng xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách xây dựng, quản lý, bảo trì hệ thống GTNT một cách hợp lý, hiệu quả với sự tham gia của các cấp chính quyền và của người dân. Bên cạnh đó sẽ đa dạng nguồn lực phát triển GTNT, từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước.
“Dự kiến, nguồn kinh phí để cứng hóa các loại đường GTNT từ đường xã trở xuống đến năm 2025 cần 290.000 tỷ đồng. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chung tay xây dựng, phát triển GTNT sẽ huy động nguồn lực của địa phương để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thơn mới. Sử dụng tỷ lệ hợp lý phần ngân sách xã hội hóa thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trong đó ưu tiên cho hệ thống GTNT“, ông Điệp cho hay.