Hàng nghìn km đường giao thông liên xã, liên thôn đã được kết nối, những con đường này đang mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái trong những năm qua.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham gia làm đường giao thông nông thôn cùng người dân
tại thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Huy động, lồng ghép mọi nguồn lực
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh Yên Bái còn khó khăn gấp bội khi địa hình đồi núi cao, bị chia cắt, độ dốc lớn, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, mọi nguồn lực đã được huy động với nhiều cách làm sáng tạo đã hình thành được mạng lưới giao thông nông thôn rộng khắp, liên hoàn trong toàn tỉnh.
Điển hình như huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải, chỉ tính riêng trong năm 2021 đã huy động được gần 33 tỷ đồng, xây dựng được hơn 65 km đường giao thông nông thôn, 42 công trình thoát nước. Trong số đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư gần 24 km đường bê tông đạt tiêu chuẩn; huy động từ sự đóng góp của người dân như nhân công, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị… để làm được 41 km đường bê tông loại 2, với chiều rộng mặt đường 1,5 m, chiều dày 15 cm tại 13 xã.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải cho biết, với sự tham gia đóng góp của nhân dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp các nguồn tài trợ, phong trào phát triển giao thông nông thôn ở Mù Cang Chải đạt được kết quả rất tích cực, nhất là phong trào bê tông đường đặc thù liên bản. Đến nay, các bản đều có đường xe máy đến trung tâm, nhiều đường liên bản đã được bê tông cứng hóa, giúp nhân dân đi lại thuận lợi, làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Nằm ở địa bàn thuận lợi hơn, trong năm 2021, huyện miền núi Trấn Yên đã huy động được trên 63 tỷ đồng để kiên cố hóa được gần 74 km; trong đó, đáng chú ý là nguồn huy động đóng góp của nhân dân đạt trên 30 tỷ đồng. Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết, nhờ sự đóng góp rất lớn của người dân, toàn huyện đã có đường thôn bản nối đường xã, đường xã nối đường huyện, đường tỉnh và nối với quốc lộ tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn.
Trước kia, không có đường giao thông, nông sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là tự sản tự tiêu, chi phí cho cước vận tải quá cao, vì thế kinh tế khó phát triển. Nay giao thông thông suốt, thương lái tới tận nơi để đưa sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Nhờ đó, giá trị hàng hóa tăng cao làm cho thu nhập của người dân cũng liên tục tăng, kích thích kinh tế phát triển.
Sau hơn 10 năm tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn, tỉnh Yên Bái đã huy động được tổng kinh phí trên toàn tỉnh đã huy động trên 4.700 tỷ đồng. Theo đó, vốn nhà nước 2.700 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác trên 1.900 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình có giá trị hàng 100 tỷ đồng đã lan tỏa sâu rộng, trở thành ý thức tự giác của mỗi hộ gia đình khi có tuyến đường đi qua.
Chủ trương đúng kết hợp với cách làm sáng tạo
Thi công Dự án đường tránh ngập tại xã Giới Phiên (Yên Bái).
Xác định giao thông nông thôn là huyết mạch quan trọng, yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, chỉ sau hơn 10 năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành 3 đề án phát triển giao thông nông thôn cho 3 giai đoạn phát triển khác nhau. Nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ những đề án này, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn có những bước phát triển đột phá.
Theo đó, các xã thuộc khu vực III và các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II được nhà nước hỗ trợ vật liệu chính, như xi măng, cát, sỏi; các xã còn lại được nhà nước hỗ trợ xi măng đến chân công trình. Các địa phương huy động nhân dân đóng góp vật liệu phụ, thuê máy trộn bê tông, nhân công, hiến đất, tự giải phóng mặt bằng…
Đối với đường mở mới, nhà nước hỗ trợ nền đường loại bề rộng tối thiểu bằng 3,5m là 70 triệu đồng/km; đối với loại đường mở rộng nền, nhà nước hỗ trợ mở rộng thêm nền đường lên tới 3,5 m. Tại mỗi địa hình khác nhau, sự hỗ trợ của nhà nước cũng có sự thay đổi cho phù hợp suất đầu tư thực tế.
Bà Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái cho biết, qua giám sát cho thấy, mọi nguồn hỗ trợ của nhà nước được công khai, minh bạch trên các phương tiên thông tin đại chúng. Tại mỗi địa phương, người dân tự đứng ra thu, chi, bầu ra một nhóm gồm trưởng nhóm, kế toán, giám sát thi công, nhận bàn giao công trình và tự thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng. Chính quyền và đơn vị chức năng chỉ đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nên các tuyến đường được triển khai nhanh chóng, đồng thuận.
Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động, vận động nhân dân tham gia làm đường, ngoài đóng góp bằng tiền mặt, người dân còn đóng góp bằng nhân công, vật liệu xây dựng tại chỗ, thiết bị thi công…Đặc biệt, hàng trăm héc - ta đất đã được hiến cho làm đường, nhiều công trình kiến trúc, cây cối hoa màu được người dân tự động tháo dỡ mà không đòi hỏi tiền đền bù, hỗ trợ.
Ngoài những tuyến đường nông thôn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều địa phương đã có những sáng tạo, phù hợp với địa hình thực tế. Điển hình như những huyện vùng cao, để cứng hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại cho nhân dân các thôn, bản vùng cao, huyện đã triển khai xây dựng các tuyến đường đặc thù với quy mô bề rộng 1m, dày 12cm. Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên để phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản.
Từ nhiều cách làm sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển giao thông nông thôn, đến nay tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa được gần 2.800 km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 2.160 km đường đất, xây dựng trên 3.000 công trình thoát nước và 51 cầu dân sinh đạt tiêu chuẩn. Giờ đây hệ thống giao thông nông thôn toàn tỉnh đã cơ bản được kết nối, 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông đi lại được cả 4 mùa.
Ông Đỗ Việt Bách, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cho biết, phong trào làm đường giao thông nông thôn của tỉnh Yên Bái nhận được sự đồng tình ủng hộ, đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, lan tỏa từ những huyện vùng thấp đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, đâu đâu cũng là "đại công trường” giao thông. Những thành tựu đạt được thực sự là bước đột phá cả trong chủ trương, chính sách đến ý thức, nhận thức của người dân. Giao thông nông thôn thực sự đã mang lại những đổi thay rõ nét, sự phát triển vượt bậc về mọi mặt cho người dân nông thôn tỉnh Yên Bái.