Điểm nhấn về giao thông ở năm 2021 là tỉnh Bến Tre đã xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường lớn, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các huyện, nâng cao năng lực vận tải đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Những tuyến đường mới này đang tạo ra động lực, góp phần đưa tỉnh tăng tốc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các năm tiếp theo.
Đường Bắc - Nam đoạn mở mới qua
những vườn dừa, ao tôm thuộc xã Tân Xuân (Ba Tri)
Đường huyện 173 nâng thành đường tỉnh 883
Đường tỉnh (ĐT) 883 chính thức “khai sinh” ngày 1/7/2021 theo Quyết định số 1515/QĐ-UBND của UBND tỉnh. ĐT.883 tiền thân là đường huyện (ĐH) 173 được xây dựng mới, nâng cấp mở rộng. Công trình xuyên qua 4 huyện, thành phố: Châu Thành - TP. Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri. Trong đó, có nhiều đoạn được mở mới hoàn toàn, giúp người dân dễ dàng di chuyển sang các xã, huyện lân cận, hàng hóa nông sản mua bán thuận lợi hơn.
Trải dài khoảng 42,508km, ĐT.883 có điểm đầu giáp quốc lộ (QL) 57C trên địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Điểm cuối tại vòng xoay Tượng đài 516, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Trên tuyến ĐT.883 còn có 9 cây cầu bê tông cốt thép và 2 cây cầu cống được xây dựng mới, đồng bộ với mặt đường (từ 8 - 10,5m), gồm: cầu Sơn Đông, cầu Phong Nẫm, cầu Phong Nẫm 2, cầu cống Châu Thới, cầu cống Trung Nhuận, cầu Giồng Rượu, cầu Hòa Bình, cầu Thầy Thông, cầu Chùm Gắn, cầu Bà Chịu, cầu Thầy Hội.
Dọc theo tuyến ĐT.883, người đi đường có thể quan sát một số đặc điểm kinh tế của từng huyện. Qua cầu Phong Nẫm, hướng về huyện Ba Tri, rẽ phải là Cụm công nghiệp Phong Nẫm. ĐT.883 tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn. ĐT.883 còn tạo động lực phát triển đô thị khi qua khu vực Cây Da đôi, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Tuyến đường này được xây dựng theo cấp đường đô thị thứ yếu. Mặt đường rộng từ 10,5m trở lên. Hai bên bố trí vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng đô thị, mang lại dáng vẻ khang trang cho trung tâm xã Tân Xuân.
ĐT.883 trở thành cửa ngõ giao lưu đối ngoại thiết yếu của các huyện Châu Thành, TP. Bến Tre, Giồng Trôm, Ba Tri và một phần của huyện Bình Đại thông qua cống đập Ba Lai. Đồng thời, tạo nên trục đường chính nối liền giao thông qua địa bàn các xã An Hiệp, Sơn Hòa, Hữu Định, Tam Phước (Châu Thành), Sơn Đông, phường Phú Tân (TP. Bến Tre), Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Hòa, Châu Bình, Bình Thành (Giồng Trôm) và các xã Mỹ Hòa, Tân Xuân (Ba Tri); góp phần xây dựng nông thôn mới và liên kết giữa các xã nông thôn với hệ thống giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đường Bắc - Nam kết nối 3 huyện biển
“Dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre” (gọi tắt là đường Bắc - Nam), kết nối 3 huyện biển, khánh thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2021. Giai đoạn 2, gồm: đầu tư xây dựng tại các khu vực bức thiết còn lại với tổng chiều dài khoảng 26,685km để đồng bộ với giai đoạn 1 và nâng cao hiệu quả của toàn tuyến đê, với tổng kinh phí xây dựng 568 tỷ đồng. Hiện giai đoạn 2 đã được chủ đầu tư hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công, chờ địa phương bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng.
Đường Bắc - Nam có tổng chiều dài 39,335km, mặt đường láng nhựa. Đoạn qua địa phận huyện Bình Đại dài 9,778km. Đoạn qua địa phận huyện Ba Tri dài 19,086km. Đoạn qua địa phận huyện Thạnh Phú dài 10,471km.
Đường Bắc - Nam giai đoạn 1 trên địa bàn xã Bình Thới và Thạnh Trị, huyện Bình Đại được kết nối với QL.57B, tạo sự gắn kết, thông suốt với cù lao An Hóa. Đây là đoạn đường mở mới, được thi công nhanh nhờ có sự ủng hộ của người dân bàn giao mặt bằng sớm. Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Trị Trần Hoàng Lâm cho hay: Đường Bắc - Nam đi qua xã Thạnh Trị dài 4km, chiếm khoảng 28ha đất của 460 hộ dân. Người dân phấn khởi vì tỉnh làm tuyến đường mới này, việc đi lại, mua bán sẽ dễ dàng hơn. Thế nên, hầu hết người dân ở xã đã giao mặt bằng để công trình được thi công sớm gần 4 tháng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Nguyễn Văn Lớn chia sẻ: Các trục đường mới được hình thành trong thời gian qua là kết quả của sự quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều công trình trọng điểm có quy mô lớn như cầu Rạch Miễu 2, đường gom vào cầu Rạch Miễu 2, đường Bắc - Nam giai đoạn 2, cầu Rạch Vong, đường liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú (ĐH.17), ĐT.DK07 kết nối từ Cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận… Khi có thông tin về dự án, mong rằng người dân tiếp tục ủng hộ cho công tác giải phóng mặt bằng, để các công trình được triển khai thực hiện kịp thời.
Giao thông thúc đẩy kinh tế
Tài xế xe tải, xe bồn, xe bê tông phấn khởi vì ĐT.883 ra đời. Từ ngày có đường mới, xe không phải đi vào nội ô TP. Bến Tre để về huyện Giồng Trôm, Ba Tri, mà chỉ cần rẽ ở vòng xoay 173, giao với QL.60, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển. Mặt khác, còn kết nối thuận lợi với Khu công nghiệp An Hiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan, ngụ ấp Phong Quới, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm vừa phơi lúa vừa kể: “Từ ngày lộ nhựa ĐT.883 mần xong, vụ lúa nhà tôi thu hoạch chỉ tốn có 1 buổi sáng, với 5 chuyến xe ba gác là lúa đã về hết trên sân phơi. Chỉ hơn 1 năm trước thôi, mỗi vụ tôi phải thuê 30 - 40 công vác lúa từ cánh đồng lên lộ đá đỏ, rồi về sân phơi”. Bà Nguyễn Thị Lan nhẩm tính, từ khi có ĐT.883, giá lúa thu mua tại cánh đồng Phong Nẫm đã nhích hơn 200 - 300 đồng/kg (giá 1kg lúa được thương lái mua từ 6.200 - 6.300 đồng/kg) so với vụ Thu Đông những năm trước và lời thêm tiền thuê mướn nhân công.
Khu vực cánh đồng lúa Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, máy gặt đập liên hợp được di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để gặt, tuốt lúa mang lại niềm vui cho nông dân trong mùa thu hoạch lúa Thu Đông, chuẩn bị ăn Tết. Anh Nguyễn Văn Xuyên, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm hào hởi nói: “Trước đây, muốn bán bò là tôi phải dắt bộ chúng ra lộ lớn ngồi chờ xe tới. Giờ ĐT.883 xây dựng rộng lớn, xe vào tận nhà mua, thuận lợi cho nông dân vô cùng”.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức: “Giao thông làm tới đâu thì kinh tế phát triển tới đó. Hiện tỉnh đã thực hiện xây dựng nhiều tuyến đường dọc theo cù lao, như đường Bắc - Nam thì đang kết nối các cù lao bằng phà. Sắp tới, tỉnh sẽ làm đường ven biển. Trong đó, có các công trình nối 3 cù lao bằng cầu, tạo thành trục giao thông phía Đông. Sau năm 2030, tỉnh sẽ có thêm trục cao tốc nằm giữa quốc lộ 60 và đường ven biển, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển trong tỉnh và tỉnh với khu vực”.