Ngoài những dự án sẽ hoàn thành xây dựng, năm 2022 cũng sẽ là thời điểm nhiều dự án hạ tầng giao thông khác trên địa bàn tỉnh được khởi động.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những tuyến giao thông kết nối
vùng quan trọng đã được đưa vào khai thác. Ảnh: Quỳnh Nhi
Khởi động các dự án giao thông kết nối vùng
Sau nhiều năm chờ đợi, đầu năm 2022, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM dự kiến sẽ được khởi công xây dựng.
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) có chiều dài 8,75km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận H.Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài 6,3km. Dự án 1A khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần rút ngắn hành trình từ H.Nhơn Trạch đến TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, đây là một trong những dự án giao thông mà Đồng Nai rất mong muốn được triển khai nhanh. Dự án này không chỉ giúp pháp triển toàn vùng Đông Nam bộ nói chung mà còn giúp H.Nhơn Trạch phát triển nhanh hơn.
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết, hiện các hồ sơ thủ tục của dự án đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. “Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận dự kiến sẽ khởi công dự án trong tháng 3/2022” - ông Diệp Bảo Tuấn cho biết.
Cùng với dự án 1A, trong năm 2022, một dự án giao thông kết nối vùng đáng chờ đợi khác dự kiến cũng sẽ được khởi công xây dựng là tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Dự án Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 11km. Đây là một trong 3 dự án thành phần của dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Dự án khi hoàn thành xây dựng toàn bộ sẽ đóng vai trò kết nối giao thông giữa khu vực Tây nguyên với vùng Đông Nam bộ. Đối với Đồng Nai, dự án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương vùng sâu, vùng xa là H.Tân Phú và H.Định Quán, đồng thời chia sẻ áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 20.
Vào cuối tháng 12/2021, trong chuyến đi kiểm tra tình hình chuẩn bị đầu tư dự án Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025. Đối với 2 đoạn còn lại thuộc dự án là đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương phải được triển khai sớm để đồng bộ với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
Diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông
Theo kế hoạch, năm 2025, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước, sân bay Long Thành không chỉ tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà đây còn là “hạt nhân” để thu hút đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng Nai nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Để có thể khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Long Thành, trong 3 năm tới, hàng loạt dự án giao thông kết nối sân bay này sẽ được Trung ương cũng như Đồng Nai triển khai thực hiện.
Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án sẽ có thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021-2026. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51. Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Về phía tỉnh Đồng Nai, theo Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Bôn, trong năm 2023, tỉnh cũng sẽ dự kiến đồng loạt triển khai nhiều dự án giao thông với mục tiêu kết nối sân bay Long Thành, từ đó lan tỏa động lực phát triển như các tuyến đường tỉnh 769, 773, 770B và cầu Cát Lái.
Với trung tâm là dự án Sân bay Long Thành, thời gian tới chính là thời điểm đáng kỳ vọng về những sự thay đổi lớn đối với hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Sự thay đổi về diện mạo của hệ thống hạ tầng giao thông cũng sẽ là sự khẳng định cho mục tiêu “giao thông đi trước mở đường” tạo sự đột phá phát triển mà Đồng Nai đã đặt ra nhiều năm qua.