Sau thành công của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, bắt tay vào năm mới 2022, các địa phương đã khẩn trương triển khai, chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục thực hiện. Mục tiêu là nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng giao thông, nâng tầm nông thôn mới.
Rút ngắn khoảng cách
Những ngày đầu tháng 1, 4 thôn Khuôn Lăn, Thượng Ấm, Đồng Bèn 2, Đồng Trôi của xã Thượng Ấm (Sơn Dương) gấp rút hoàn thành hơn 1,2 km đường bê tông nông thôn và đường nội đồng theo kế hoạch bổ sung của năm 2021. Xi măng cấp vào cuối năm, lại vướng thời điểm thu hoạch vụ đông, nên việc thi công có chậm hơn so với kế hoạch, nhưng không làm “chậm” lại niềm vui của những người dân nơi đây.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Lăn Vương Văn Ngấn dẫn khách tham quan 200 mét đường vừa hoàn thành vào vùng sản xuất khu Dưới Thác. Anh Ngấn cho biết, năm 2021, Khuôn Lăn đăng ký làm đường nội đồng nhiều nhất xã, 800 mét. Giờ đã hoàn thành cả rồi. Như đoạn đường này, trước đây chỉ là con đường đất nhỏ, mỗi vụ thu hoạch lúa, cả chục người dân phải hò nhau đẩy xe cút kít chở thóc từ ruộng về nhà. Con đường lầy thụt, năm nào bà con cũng phải góp công, góp sức sửa một lần, mà chưa khi nào thấy hài lòng cả. Giờ thì ổn rồi. Mấy nữa thu hoạch vụ xuân, rồi khai thác gỗ rừng, xe tải chạy vào tận nơi chở thóc lúa gỗ lạt.
Tuyến đường nội đồng mới hoàn thành ở thôn Khuôn Lăn, xã Thượng Ấm
(Sơn Dương) mang lại niềm vui đầu năm mới cho người nông dân
Khuôn Lăn có 48 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Nùng. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Lăn Vương Văn Ngấn giở cuốn sổ tay ghi chép lại từng khoản thu, bảo, để hoàn thành 800 mét đường, nhà ít nhất cũng dăm bảy triệu đồng, nhà nhiều lên đến 12 triệu đồng. Trước khi thi công, thôn họp thống nhất với các hộ, tính toán cách đóng góp dựa vào diện tích đất sản xuất của từng nhà. Nhà nhiều diện tích đóng góp nhiều, nhà ít thì đóng góp ít hơn.
Năm 2022, Khuôn Lăn đăng ký thêm 800 mét nữa để hoàn thiện đồng bộ toàn bộ đường thôn, đường nội đồng. Thôn cũng đã có quy định, đối với những diện tích không đủ 3,5 mét đối với đường ngõ xóm và đường nội đồng, 5 mét đối với đường trục thôn sẽ lấy diện tích đất đều cả 2 bên, đảm bảo công bằng cho tất cả các hộ dân.
Theo Sở GTVT, năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành 223 km/223 km đường giao thông nông thôn, đạt 100% kế hoạch năm; ngoài ra, thực hiện bổ sung 30 km trên địa bàn 5 huyện, đến nay cơ bản đã hoàn thành.
Năm 2022, ngành giao thông tiếp tục hoàn thành 227 km đường giao thông nông thôn. Trong đó 126 km đường thôn và 101 km đường nội đồng. Cụ thể, Na Hang 22 km; Chiêm Hóa 32 km; Hàm Yên 43 km; Yên Sơn 79 km; Sơn Dương 51 km.
Thời điểm này, các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị mặt bằng, sẵn sàng nhân lực, để ngay khi được cung ứng xi măng, cấu kiện là sẵn sàng tổ chức thi công ngay.
Nối nhịp bờ vui
Sau năm đầu tiên khảo sát lựa chọn địa điểm, đồng thời, hoàn thành phê duyệt dự án xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, trên cơ sở đó tổ chức đấu thầu chọn nhà xây lắp và đang tổ chức thi công đồng loạt 38 cầu, năm 2022, ngành giao thông vận tải tiếp tục phấn đấu hoàn thành 39 cầu. Trong đó, huyện Na Hang, Lâm Bình mỗi địa phương 5 cầu; Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa mỗi địa phương 6 cầu; Yên Sơn 11 cầu.
Xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) năm 2022 sẽ xây dựng một cầu trên đường vào vùng sản xuất hàng hóa thôn Ngầu 1. Cả khu vực sản xuất 4 ha ruộng, hơn 30 ha rừng và gần 40 hộ dân sinh sống đã sẵn sàng cho công tác xây dựng cầu. Trưởng thôn Hứa Văn Hải cho biết, đây là cây cầu mà bà con đã mong ước từ lâu. Trước đây chưa có cầu, bà con muốn qua lại phải đắp đá, đổ bê tông để làm một chiếc cầu tạm, tiện cho việc đi lại và vào vùng sản xuất hàng hóa. Mỗi trận mưa lớn, là một lần phải đắp lại cầu. Vừa rồi khảo sát xây dựng cầu, 40 hộ dân được hưởng lợi mừng lắm. Trưởng thôn Ngầu 1 Hứa Văn Hải cho biết, có cầu, có đường nội đồng hoàn thiện, Ngầu 1 sẽ nhanh chóng bắt nhịp, quyết tâm cùng với xã Hùng Mỹ về đích nông thôn mới năm nay.
Không riêng gì ở Hùng Mỹ, nhiều địa phương khác khi được khảo sát, quyết định xây dựng cầu trên đường, người dân cũng đã sẵn sàng hiến đất, chặt bỏ cây lâm nghiệp và hoa màu để cùng với chính quyền hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Kháng Nhật nằm men theo chân dãy núi Tam Đảo địa hình nhiều đồi núi, suối. Những dòng suối thường ngày nước chỉ đến mắt cá chân bỗng trở thành hung dữ sau mỗi trận mưa lũ. Người dân ở thôn Lẹm, xã Kháng Nhật đã phải tìm cách khắc phục, làm cây cầu tạm bằng gỗ để qua suối. Nhưng mỗi khi mưa xuống, những đợt lũ bất thình lình đổ về dâng cao và chảy xiết, cuốn phăng chiếc cầu tạm trong sự bất lực của mọi người. Bà Hòa Thị Lan, thôn Lẹm chia sẻ: “Gia đình tôi sống ở đây nhiều năm. Mỗi khi trời mưa lớn, nước suối dâng cao, khu vực này gần như bị chia cắt. Người dân chúng tôi cũng mong mỏi có được một cây cầu qua suối chắc chắn để cuộc sống bớt khó khăn”.
Niềm mong đợi của nhân dân xã Kháng Nhật được trở thành hiện thực khi Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh được triển khai. Một cây cầu bắc qua suối bằng bê tông cốt thép đang được triển khai xây dựng trong sự vui mừng của hàng trăm hộ dân. Theo ông Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật, thôn Lẹm là thôn khó khăn nằm ở cuối xã, nằm sát chân núi Tam Đảo nên suối chảy qua thôn có độ dốc lớn lũ về gây chia cắt hơn 30 hộ dân, học sinh phải nghỉ học. Cùng với đó đa số người dân nơi đây trồng cây lâm nghiệp mỗi lần thu hoạch xe chở gỗ phải lội qua suối rất nguy hiểm.
Từ khi cầu được đầu tư xây dựng, chính quyền và người dân ở đây đều vui mừng. Cầu bê tông vững chắc sẽ đảm bảo việc đi lại, vận chuyển gỗ, nông sản, hàng hóa của người dân. Công trình cũng tạo liên kết giữa xã Kháng Nhật và xã Hợp Thành góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Do không có vốn đền bù, giải phóng mặt bằng nên thôn, xã đã đứng ra vận động người dân hiến đất làm cầu và nhận được sự đồng thuận hiến đất. Tiêu biểu có hộ ông Dương Minh Hà hiến 200 m2 đất, chặt bỏ 150 cây keo 3 năm tuổi, hộ bà Vũ Thị Thìn hiến hơn 110 m2 đất, chặt bỏ hơn 100 cây keo 3 năm tuổi, tháo dỡ tường rào tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công cây cầu.
Cùng với hệ thống giao thông liên tỉnh, quốc lộ, cao tốc… khẩn trương được triển khai, góp phần đưa Tuyên Quang gần hơn với các tỉnh, thành phố lớn trong khu vực, thì hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và cầu trên đường giao thông nông thôn góp phần kết nối, hình thành mạng lưới giao thông kết nối thông suốt, giúp cho việc giao thương đi lại thuận lợi hơn... Một nghị quyết nữa hợp lòng dân, đi vào cuộc sống đã và đang góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.