Trong những năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây mới một số cây cầu vượt sông Hồng. Tuy nhiên, so với quy hoạch, thành phố cần nỗ lực sớm hoàn thiện hệ thống cầu, nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị và thêm động lực phát triển cho địa bàn.
Trên công trường thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. (Ảnh: ĐỖ QUÂN)
Cuối tháng 1/2022, phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã được Hội đồng thi tuyển lựa chọn và báo cáo UBND thành phố Hà Nội để thông qua. Ngay sau khi phương án này được duyệt, công tác đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo sẽ được triển khai ngay.
Tăng kết nối, khơi thông nguồn lực
Một cây cầu quan trọng khác là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang dần thành hình. Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự kiến trong năm 2022, các nhà thầu cơ bản hoàn thành các nhịp cầu dẫn phía quận Long Biên, hợp long các nhịp chính trước 30/4/2022, hoàn thành dự án trong tháng 6/2023. Đây là những tín hiệu vui cho hạ tầng giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, hệ thống cầu qua sông của Hà Nội vẫn còn rất thiếu.
Trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó bảy cây cầu đã được đưa vào khai thác gồm: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh, Văn Lang (cầu Việt Trì-Ba Vì). Còn lại là các dự án cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; xây dựng mới các cầu: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát (vành đai 3,5), cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn nhận đơn lẻ sẽ không thể thấy hết vai trò và tính cấp thiết của các cây cầu vượt sông Hồng trong hệ thống giao thông khung của Hà Nội”. Thí dụ như cầu Vĩnh Tuy đã được tính toán để khớp nối trên một trục với cầu Giang Biên bắc qua sông Đuống, thông đến tỉnh Bắc Ninh và đấu nối vào Vành đai 3. Hướng kết nối này cũng sẽ thu ngắn khoảng cách từ cầu Vĩnh Tuy đến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Hay để giảm tình trạng quá tải cho Vành đai 3 và Quốc lộ 32, Hà Nội đang rất kỳ vọng vào việc kết nối các đoạn tuyến có sẵn của vành đai 3,5. Trong đó, cầu Thượng Cát giữ vai trò rất quan trọng, là mảnh ghép thiết yếu trên “trục lõi” từ cửa ngõ Tây Bắc sang phía Nam Thủ đô.
Hay cầu Mễ Sở, theo quy hoạch sẽ đặt tại khu vực bến phà Mễ Sở, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, nối sang huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), mở ra hướng lưu thông giảm tải cho Quốc lộ 5. Đây cũng là một trong những cây cầu được giới chuyên gia đánh giá mức độ ưu tiên cao nhất của Hà Nội. Bởi cầu Mễ Sở nằm trên tuyến Vành đai 4, kết nối đến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, mở hướng tránh khu vực đô thị trung tâm Thủ đô, góp phần giảm tải rất lớn cho đường vành đai 3.
Cần linh hoạt nguồn vốn
Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội nhận định, đường vành đai 3,5, đường vành đai 4 Vùng Thủ đô với các cầu Thượng Cát, Hồng Hà không chỉ có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, mà còn rất quan trọng với an ninh, quốc phòng. Đây là các cầu cũng cần được ưu tiên xây dựng trước để tháo gỡ những khó khăn đang kìm hãm khu vực phía tây Hà Nội, vừa giảm ùn tắc giao thông cho nội đô, vừa mở hướng kết nối giữa hai bờ sông Hồng, là động lực phát triển rất mạnh cho cả Vùng Thủ đô lẫn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ, từ nay đến năm 2030, thành phố tập trung khép kín các tuyến đường vành đai, bổ sung kết nối các tuyến hướng tâm và đặc biệt là xây dựng thêm một số cây cầu vượt sông Hồng. Những cây cầu này là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa của khu vực phía bắc sông Hồng và phía đông vành đai 4, tạo nên sức hút đối với dân cư và cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, du lịch... Tuy nhiên, vấn đề huy động nguồn lực thế nào cũng cần phải có tính toán kỹ lưỡng, khi tính toán sơ bộ 10 cây cầu này cũng phải mất cả trăm nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, Hà Nội cần huy động cao nhất các nguồn lực, cả từ ngân sách lẫn xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các cầu vượt sông Hồng. Muốn huy động được thì phải có cơ chế phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả thành phố lẫn nhà đầu tư. Hiện tại, các cơ chế kêu gọi nguồn lực xã hội cho hạ tầng giao thông còn chưa đủ hấp dẫn, chưa chắc chắn và thường thay đổi, tạo nên tâm lý bất an cho các nhà đầu tư. Thí dụ như dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, ban đầu được xác định thực hiện theo hình thức đối tác công tư - PPP, nhưng sau đó phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng: “Phân loại, phân kỳ đầu tư là giải pháp tốt nhất. Nhưng muốn làm được như vậy cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách”. Với những cây cầu trên các tuyến đường vành đai, nằm ngoài đô thị trung tâm như: Thượng Cát, Hồng Hà, Mễ Sở... nên kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư, loại hình BOT. Với vai trò kết nối các tuyến vành đai liên tỉnh, không đi xuyên tâm thành phố, phục vụ một lượng lớn phương tiện cả trong và ngoài thành phố, đầu tư xây dựng rồi thu phí hoàn vốn là hợp lý và có thể thu hút nguồn vốn xã hội trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.