Thời gian qua, lực lượng Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn xe chở quá tải trọng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều dự án đầu tư vốn ngân sách và ngoài ngân sách nên nhu cầu đất san lấp mặt bằng tăng cao. Vì thế, số lượng phương tiện chở đất đá phục vụ các dự án tăng theo. Để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường, tỉnh đã có nhiều giải pháp như: Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án vận chuyển vật liệu san lấp, ký quỹ tại ngân hàng để đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng đường sau khi hoàn thành vận chuyển đất đá san lấp; lắp đặt biển hạn chế tải trọng cho từng tuyến đường phù hợp với các quy định… Tuy nhiên, vẫn có nhiều xe chở quá tải gây hư hỏng hệ thống giao thông, nhất là các tuyến đường liên xã, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Lực lượng chức năng tổ chức cân tải trọng phương tiện
trên đường Võ Nguyên Giáp (TP Nha Trang)
Theo ông Nguyễn Nhạc Tân - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ đường, lực lượng Thanh tra giao thông đã phối hợp với Cảnh sát giao thông của các địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về tải trọng. Đặc biệt, lực lượng thanh tra thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm, đột xuất, ngoài giờ hành chính để tránh sự đối phó của người vi phạm; bố trí phân công lực lượng hợp lý, tăng cường tại các địa bàn phức tạp để kiểm tra, kiểm soát phương tiện. Ngoài ra, lực lượng cũng thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ phương tiện, tài xế phải che chắn kỹ, không để đất đá rơi vãi xuống đường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, lực lượng Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa đã xử lý gần 3.100 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có hơn 1.000 trường hợp vi phạm về tải trọng cầu đường, xử phạt với số tiền gần 10,3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn gần 300 trường hợp.
Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, công tác xử lý xe quá tải trọng trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua đã có bước chuyển biến đáng kể; trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác quản lý bảo vệ công trình giao thông được nâng cao; ý thức của một số chủ đầu tư và nhà thầu có chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết để ngăn chặn, xử lý triệt để hành vi chở quá tải trọng, gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng kết cấu đường.
Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án cùng lúc, tổng trọng tải của các phương tiện vận chuyển hầu hết vượt gấp nhiều lần so với tải trọng cầu, đường thiết kế. Bên cạnh đó, các phương tiện hoạt động với tần suất dày và thường xuyên. Một số đơn vị không phối hợp thực hiện công tác ký quỹ để bồi hoàn theo quy định đã làm ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và tuổi thọ công trình giao thông. Vì vậy, những phương tiện tham gia san lấp mặt bằng thuộc các dự án nếu có tổng trọng lượng vượt quá khả năng chịu tải của cầu hoặc tải trọng trục xe vượt quá khả năng của đường buộc phải có giấy phép lưu hành xe quá tải. Ngoài ra, ngân sách dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường vẫn còn hạn chế, chỉ đảm bảo ở mức khắc phục sự cố, hư hỏng nặng, trong khi khối lượng sửa chữa ngày càng lớn dẫn đến không đồng bộ về kết cấu nền, mặt đường và các yêu cầu kỹ thuật của công trình.