Những công trình trọng điểm như đường Vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830, 830E và 827E được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về giao thông, phục vụ tối đa cho phát triển KT - XH.
Đường Vành đai TP.Tân An - động lực phát triển đô thị
Đường Vành đai TP.Tân An, tỉnh Long An là một trong những công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Những ngày đầu năm, trên công trường các gói thầu số 5 đường Phạm Văn Ngô - Châu Thị Kim và cầu Bảo Định; gói thầu số 6 đoạn từ Châu Thị Kim đến Phạm Văn Điền; gói thầu số 7 đoạn Phạm Văn Điền đến Trần Văn Ngà cũng như các gói thầu từ Quốc lộ (QL) 62 đến đường Nguyễn Văn Quá đang được các đơn vị gấp rút thi công cho kịp tiến độ những đoạn đã bàn giao mặt bằng.
Riêng gói thầu số 8 từ đường Trần Văn Ngà đến ĐT827A và gói thầu số 4 từ QL1 đến đường Phạm Văn Ngô đã hoàn thành, đang trong quá trình nghiệm thu để bàn giao cho TP.Tân An quản lý. Diện mạo tuyến đường Vành đai TP.Tân An sau nhiều năm chờ đợi đang dần hiện hữu.
Theo đúng dự kiến, đến giữa năm nay, đường Vành đai TP.Tân An, đoạn từ QL1 đến ĐT827A sẽ được thông tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
TP.Tân An quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quí II-2022
để phấn đấu hoàn thành công trình đường Vành đai TP.Tân An trong năm 2023
Anh Phạm Văn Thời - lái xe container từ huyện Châu Thành đi Cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Cứ mỗi tháng, tôi chở từ 2-4 chuyến hàng thanh long từ Châu Thành đi cửa khẩu. Mỗi lần xe vào TP.Tân An là tôi lo lắng bởi đường phố nhỏ, phương tiện đông, nhiều khúc cua gấp. Nhưng hiện chỉ có qua trung tâm thành phố mới về được huyện Châu Thành nên buộc lòng tôi phải chấp nhận. Vì vậy, tôi mong tuyến đường Vành đai sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để những xe container trọng tải lớn sẽ không phải đi vào thành phố, tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.
Ngoài phục vụ tốt nhu cầu tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa, tuyến đường Vành đai TP.Tân An khi hoàn thành còn được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho việc phát triển đô thị mới Tân An, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thành phố - xứng tầm trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Theo Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh, đô thị Tân An dù có lịch sử hình thành lâu đời nhưng đến nay vẫn còn ở quy mô nhỏ, khó phát triển. Hầu hết việc phát triển đô thị lâu nay vẫn chỉ tập trung tại các phường trung tâm như phường 1, 2, 3, 4, 5, 6. Trong khi đó, những vùng lân cận của thành phố tuy còn quỹ đất lớn nhưng lại khó phát triển bởi hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu.
Chính vì vậy, dự án đường Vành đai TP.Tân An được triển khai không chỉ tạo sự đồng bộ, nâng cấp hạ tầng đô thị mà còn tạo điều kiện, động lực để thành phố phát triển. Đến thời điểm này, thành phố tập trung hết sức để tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trước mắt, từ nay đến giữa năm, thành phố sẽ cố gắng để thông xe kỹ thuật đoạn từ QL1 đến ĐT827A nhằm giảm bớt áp lực giao thông cho vùng trung tâm thành phố, nhất là đối với các phương tiện vận tải lớn như xe tải, xe container.
“Chúng tôi rất kỳ vọng, tuyến đường Vành đai TP.Tân An khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo trục xương sống bao quanh thành phố, mở ra các hướng phát triển mới, đặc biệt là phát triển đô thị. Trong đó, đến cuối nhiệm kỳ này, thành phố sẽ cố gắng để hình thành từ 2 - 3 khu đô thị có tầm cỡ, quy mô trong khu vực, xứng tầm là đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Đó không phải là những dự án bất động sản phân lô, bán nền mà phải là những dự án khu đô thị có đầy đủ tiện ích, nhà ở để thu hút dân cư đô thị và tạo được điểm nhấn cho thành phố. Để đạt mục tiêu đó, thành phố cũng cam kết với tỉnh đến hết quí II/2022 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến, bàn giao cho đơn vị thi công để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023” - ông Lê Công Đỉnh cho biết thêm.
Đường tỉnh 830 - động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm
Nếu như công trình đường Vành đai TP.Tân An đang được ngành GTVT Long An và TP.Tân An nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì công trình ĐT830, giai đoạn 2 đến nay cơ bản hoàn thành sau hơn 2 năm thực hiện. Đây cũng là công trình tạo thành trục liên kết về giao thông giữa 4 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp đến QL1, đường cao tốc TP.HCM và Cảng Quốc tế Long An.
Từ đó, tạo ra sức bật mới trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, phát triển dịch vụ, logistics cho vùng kinh tế trọng điểm. Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, các phương tiện vận tải đã có thể lưu thông thuận lợi từ QL1 đến Cảng Quốc tế Long An.
Đường tỉnh 830 cơ bản hoàn thành thông tuyến, hiện chỉ còn một số ít đoạn vướng mặt bằng
Tại gói thầu số 8 do Công ty Cổ phần Việt Dũng thi công, những ngày đầu năm, toàn đơn vị đã nỗ lực để thực hiện láng nhựa khoảng 90% trong tổng số gần 8km do đơn vị đảm nhận thi công. Kỹ sư Nguyễn Văn Khắc - Chỉ huy trưởng gói thầu số 8, Công ty Cổ phần Việt Dũng, cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên năm 2021, việc thi công gặp rất nhiều khó khăn cả về nhân lực và vật tư.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định khi thực hiện công trình trọng điểm sẽ phải nỗ lực hết sức, khắc phục mọi khó khăn để sớm hoàn thành công trình, mang lại hiệu quả phục vụ địa phương. Đây cũng là mong mỏi chung của các cấp chính quyền cũng như của người dân. Dù còn vướng một chút mặt bằng, song chúng tôi cũng mong chính quyền sớm vận động để đơn vị tập trung hoàn thành công trình theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra”.
Sau nhiều năm chờ đợi, bà Nguyễn Thị Loan (xã Long Sơn, huyện Cần Đước) đã cảm nhận được tuyến đường dần hình thành qua từng ngày. Trước đây, gia đình bà phải đi vòng khá xa mới ra được con đường chính của xã, nay tuyến ĐT830 ngay trước nhà bà, tạo rất nhiều thuận lợi. Cũng từ khi ĐT830 được đầu tư mở rộng đã “đánh thức” các xã vùng hạ huyện Cần Đước với những dự án đô thị, dịch vụ, thương mại. “Giờ tôi chỉ mong tuyến đường sớm chính thức hoàn thành để phục vụ người dân tốt hơn” - bà Loan mong mỏi.
Ban Quản lý dự án Sở GTVT Long An kiểm tra hạng mục cống thoát nước
gói thầu phát sinh trong quá trình thực hiện dự án Đường tỉnh 830
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Long An, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông phục vụ phát triển KT - XH. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, ngành Giao thông tiếp tục được ưu tiên thực hiện 8 công trình giao thông nằm trong chương trình đột phá về giao thông giai đoạn 2020 - 2025 và thực hiện 3 công trình giao thông trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong số các công trình giao thông thực hiện trong nhiệm kỳ này, có những công trình mang tính chiến lược tạo sự kết nối chung giữa các tỉnh miền Tây và TP.HCM, tạo động lực phát triển kinh tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An - Nguyễn Hoài Trung, đến nay, công trình ĐT830 giai đoạn 2 cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn một số đoạn vướng giải phóng mặt bằng nhỏ, lẻ và các gói thầu phát sinh liên quan đến hệ thống cống thoát nước, đèn chiếu sáng.
Dự kiến đến giữa năm nay, toàn bộ công trình ĐT830 giai đoạn 2 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. “Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Ban Quản lý dự án tập trung quản lý tốt các dự án đang thực hiện và hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án mới nhằm bảo đảm các dự án sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch, phục vụ tốt cho phát triển KT-XH của tỉnh” - ông Nguyễn Hoài Trung cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, đối với 2 công trình trọng điểm ĐT830E, đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830, công trình ĐT827E và 3 cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hiện cũng được Sở thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư trong nhiệm kỳ này./.
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải, ngoài các công trình giao thông trọng điểm và công trình thuộc chương trình đột phá, giai đoạn 2021-2025, Sở sẽ thực hiện 7 điểm kết nối giao thông có vị trí đặc biệt quan trọng, cấp bách để thúc đẩy phát triển KT-XH giữa Long An và TP.HCM với tổng số vốn dự kiến khoảng 24.000 tỉ đồng. Trong đó, cuối tháng 12 vừa qua, Sở chính thức khởi công dự án ĐT823D - Trục nối Tây Bắc TP.HCM với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Dự kiến quí II-2022, Sở sẽ khởi công tiếp 5 dự án giao thông kết nối, từng bước tạo hệ thống giao thông đồng bộ phục vụ cho phát triển KT-XH.