Lâm Đồng: Phát triển đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Lạc Dương

Thứ tư, 23/02/2022 10:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đến thời điểm hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cơ bản đã được cứng hóa, các tuyến đường vào khu sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, giao thương...

Huyện Lạc Dương hiện đã có 5/5 xã đã đạt tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới

Huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên là 1.312 ha, dân số là 29. 962 người, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 67,95%. Với diện tích tự nhiên trải rộng trên địa bàn huyện, Lạc Dương có 2 tuyến quốc lộ (27C, Trường Sơn Đông) và một tuyến đường tỉnh (ĐT 722) đi qua. Về giao thông nông thôn, trên địa bàn huyện hiện có 218 km; trong đó, đường liên xã 42 km chiếm 19,26%; đường liên thôn 33 km, chiếm 15,14%; đường thôn 82 km, chiếm 37,61%; đường chuyên dùng, vào nương rẫy 61 km, chiếm 27,98%. 

Xác định mạng lưới giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, do đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được huyện ưu tiên hàng đầu. Năm 2021, được sự quan tâm của Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương được phân bổ kế hoạch vốn và huy động từ Nhân dân đóng góp 115,308 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn 223,483 tỷ đồng (chiếm 51,6%) để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn. Huyện đã đầu tư xây dựng được 17,578 km/tuyến đường, trong đó các nguồn vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 8,14 km/9 công trình, tổng mức đầu tư là 38,826 tỷ đồng; bao gồm vốn ngân sách Nhà nước là 3,868 tỷ đồng, vốn nhân dân đối ứng 1,958 tỷ đồng; các nguồn vốn khác thuộc ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện là 76,482 tỷ đồng đầu tư xây dựng 6 công trình.

Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, nên thời gian qua, Lạc Dương đã huy động được sức mạnh của toàn dân, với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Toàn bộ các công trình giao thông, kể cả đường GTNT và đường đô thị trên địa bàn huyện Lạc Dương đều vận động người dân tự nguyện hiến đất, Nhà nước chỉ hỗ trợ di dời vật kiến trúc. Kết quả năm 2021, huyện đã vận động được 626 hộ gia đình với diện tích đất hiến là 4,9 ha để xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Đối với các công trình đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự nguyện hiến đất và tự di dời vật kiến trúc để xây dựng công trình.

Theo đó, hiện nay, 100% đường xã và đường trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và 100% đường trục thôn, đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; có hơn 90% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 70% đường trục chính nội đông đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện. 

Việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đã đảm bảo giao thông được thông suốt và an toàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn, huyện Lạc Dương cho biết vẫn còn gặp nhiều khó khăn như công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều biết được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của việc phát triển giao thông nông thôn chưa được sâu, rộng và thường xuyên, dẫn đến vẫn còn một bộ phận cộng đồng dân cư, người dân chưa nhiệt tình tham gia trực tiếp xây dựng công trình. Việc huy động nguồn vốn đầu tư cũng còn hạn chế, chủ yếu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nhiều các nguồn lực khác trong xã hội để đầu tư hạ tầng GTNT.

Để hệ thống GTNT ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, trong năm nay và cả những năm tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, động viên Nhân dân tích cực tham gia xây dựng GTNT; rà soát lập quy hoạch chung các xã giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 để làm cơ sở đầu tư xây dựng phát triển hệ thống GTNT; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, ưu tiên bố trí kế hoạch hoặc vốn để đầu tư phát triển GTNT; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với các công trình thực hiện theo cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…

toanld

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)