Ngồi trong xe vun vút trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên), người đi đường dễ dàng nhận ra một đại công trường thi công khu tái định cư Dự án Cảng Hàng không Sa Pa (sân bay Sa Pa).
Những quả đồi nhấp nhô, điệp trùng ven sông Hồng đã được san phẳng thành mặt bằng khu tái định cư rộng mênh mông. Ở đó, các hạng mục đường giao thông, công trình cấp - thoát nước, điện, công viên cây xanh và rất nhiều công trình nhà ở dân sinh đang được thi công.
Toàn cảnh khu tái định cư sân bay Sa Pa.
Chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra lễ động thổ xây dựng sân bay Sa Pa nên công tác chuẩn bị của địa phương rất bận rộn với những phần việc chủ yếu liên quan đến rà soát các trường hợp thuộc diện ảnh hưởng sản xuất, hộ được đền bù, tái định cư.
Tham quan mặt bằng dự án, ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn rất phấn khởi. Ông Hùng bảo, điều mừng nhất là được tỉnh quan tâm cấp đất tái định cư cho Nhân dân với diện tính mỗi hộ lên tới 600 đến 1.000 m2, khiến người dân Cam Cọn rất đồng thuận với Nhà nước, việc giải phóng mặt bằng dường như không có vướng mắc. Trên một số tuyến đường trong khu tái định cư sân bay Sa Pa có hàng chục hộ đã xây xong nhà và chuyển đến ở. Đa số nhà ở dân cư được xây theo lối kiến trúc hiện đại, rộng rãi. Đất rộng, bằng phẳng, vuông vắn nên các hộ bàn bạc lựa chọn cùng kiểu kiến trúc để làm đẹp cả khu tái định cư.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Tưởng, thôn Cọn 1, xã Cam Cọn là một trong những hộ đầu tiên chuyển đến khu tái định cư. Ngôi nhà mới xây được thiết kế đẹp, lại có thêm diện tích đất sản xuất liền kề, giúp anh có thêm cơ hội chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế. Anh Tưởng cho biết: Sau khi được cơ quan chức năng của huyện và chính quyền xã giải quyết nhanh thủ tục chi trả tiền đền bù và cấp đất tái định cư, tôi yên tâm di chuyển đến nơi ở mới.
Đi thăm khu tái định cư, chúng tôi gặp ông Vương Thanh Mỳ, Trưởng thôn Cam 4 khi ông đang xem đất tái định cư cho gia đình mình. Ông Mỳ bảo: Thôn Cam 4 có 121 hộ thì 80 hộ liên quan đến Dự án Cảng Hàng không Sa Pa, trong đó 4 hộ phải di chuyển chỗ ở. Nhà tôi cũng thuộc diện phải đến nơi ở mới, giao lại mảnh đất đang ở để xây dựng đường băng và nhà ga sân bay.
Theo ông Mỳ, từ khi Nhà nước triển khai giải phóng mặt bằng, các hộ trong thôn đều đồng thuận, tự giác phối hợp thực hiện. “Tôi quê gốc ở vùng xuôi, lên Cam Cọn định cư theo diện kinh tế mới từ mấy chục năm trước. Ngôi nhà gỗ 5 gian, 2 chái, mái lợp ngói của gia đình phải dỡ bỏ, tiếc lắm, nhưng vì công trình quốc gia nên vợ chồng tôi vẫn vui vẻ” - ông Mỳ bộc bạch.
Ông Mỳ “bật mí” thêm, số tiền mà ông nhận đền bù giải phóng mặt bằng đủ để xây dựng một ngôi nhà kiến trúc hiện đại, rộng rãi, khang trang, mua sắm tiện nghi, số còn lại, 2 vợ chồng thoải mái dưỡng già. Nhưng ngôi nhà mới chưa phải là mong ước lớn nhất của ông Mỳ, dự định của ông là dành một số tiền để ngay sau khi sân bay hoạt động sẽ đặt vé đưa vợ du lịch miền Nam.
Trở lại trụ sở UBND xã Cam Cọn lúc này đã quá giờ làm việc buổi chiều nhưng Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Hùng vẫn hào hứng nói về công tác chuẩn bị cho lễ động thổ xây dựng sân bay Sa Pa. Ông Hùng thông tin: Xã Cam Cọn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Bảo Yên hoàn thành việc thống kê, kiểm đếm tài sản, cây cối, hoa màu của 28 hộ nằm trong khu vực khởi công dự án sân bay. Trong đó, tập trung thống kê, kiểm đếm cây cối, tài sản của các hộ thuộc thôn Cam 4, Cam 3; tổ chức di chuyển mộ phần ở thôn Cam 2 về nghĩa trang nhân dân của thôn mới xây dựng. Đến trung tuần tháng 1/2022, đã hoàn thành 80% trong tổng diện tích 295 ha mặt bằng cho dự án. Trước tết Nguyên đán, xã đã vận động 80% hộ trong khu vực động thổ sân bay với diện tích 26,8 ha nhận tiền đền bù, số còn lại hầu hết đã nhận sau tết Nguyên đán.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển qũy đất huyện Bảo Yên cho biết: So với các “đại dự án” khác, dự án xây dựng khu tái định cư và Dự án Cảng Hàng không Sa Pa được triển khai thuận lợi, trong đó yếu tố mang tính quyết định là chính quyền xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Từ đó, người dân luôn đồng thuận với các chủ trương, cách thức triển khai của tỉnh, của huyện, sẵn sàng phối hợp để dự án đạt tiến độ.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Yên, tổng mức đầu tư khu tái định cư Cảng Hàng không Sa Pa được phê duyệt đến nay là 409,9 tỷ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng là 139,5 tỷ đồng, phần xây lắp là 234 tỷ đồng. Quy mô của khu tái định cư có tổng diện tích 144 ha, trong đó giai đoạn I là 18,8 ha. Đến nay, đã xây dựng được 2,64 km đường nội bộ, san gạt 6,18 ha mặt bằng và xây dựng mạng lưới đường ống cấp - thoát nước, điện chiếu sáng. Đến thời điểm này, đã giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của 109 hộ, đã giao đất tái định cư cho 14 hộ, 111 thửa đất đã được hình thành, trong đó có 62 thửa đất ở, 49 thửa đất sản xuất.
Hiện các cơ quan chức năng huyện Bảo Yên đang tích cực triển khai giai đoạn II của dự án tái định cư trên phần diện tích 125,6 ha với giá trị giải phóng mặt bằng 113,5 tỷ đồng, giá trị xây lắp 194 tỷ đồng.
Với phần Dự án Cảng Hàng không Sa Pa, giai đoạn I sẽ thu hồi 295,2 ha, số hộ, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng là 604 hộ với khoảng 3.500 nhân khẩu, trong đó số hộ phải di chuyển lên tới 450 hộ, kinh phí thực hiện là 532 tỷ đồng. Hiện khu vực dành cho lễ động thổ dự án (26,8 ha) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 10/2/2022 với 27 hộ có liên quan, số tiền đền bù là 22,2 tỷ đồng, đến cuối tháng 1/2022 đã chi trả cho 23/27 hộ với số tiền 19,2 tỷ đồng.
Phối cảnh dự kiến của sân bay Sa Pa
Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ là cầu nối quan trọng để phát triển thương mại, du lịch - dịch vụ của tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung; cùng với đó thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Ngày động thổ Dự án Cảng Hàng không Sa Pa đến gần, đồng bào các dân tộc xã Cam Cọn từ lâu luôn mong chờ bởi sự kiện này không chỉ mở ra cánh cửa tương lai cho địa phương mà còn lớn hơn thế.