Xác định hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng nhanh và đồng bộ hệ thống giao thông mang tính chất liên kết vùng trong và ngoài tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận góp phần gắn kết tỉnh Tiền Giang
với với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tiền Giang cho biết: Việc tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều này thể hiện qua tỉnh Tiền Giang đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt. Sở GTVT đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải cùng các sở, ngành đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đó là các công trình quan trọng như: Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua địa bàn thị xã Cai Lậy; Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; tuyến Đường tỉnh 872B (qua huyện Gò Công Tây) từ Quốc lộ 50 đến bến phà Tân Long; đầu tư mới Đường tỉnh 878 kết nối Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước, đường dọc sông Tiền (từ thị trấn Cái Bè đến cầu Mỹ Thuận)…
Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế, xã hội từng khu vực nói riêng và của tỉnh nói chung. Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây chia sẻ: Tuyến Đường tỉnh 872B (qua huyện Gò Công Tây) từ Quốc lộ 50 đến bến phà Tân Long kết nối huyện Tân Phú Đông là tiền đề quan trọng để địa phương đầu tư, phát triển tiềm năng công nghiệp vì đã giải được bài toán khó về đường giao thông cho việc quy hoạch Cụm công nghiệp Long Bình nằm ở ven thị trấn Long Bình, huyện Gò Công Tây. Tuyến đường này không chỉ tạo thành một trục đường quan trọng trong giao thương mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.
Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 25km, huyện Tân Phước có nhiều dự án giao thông đã được đầu tư, xây dựng gồm các tuyến đường kết nối với các trục giao thông liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nút giao Thân Cửu Nghĩa (cách Khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2 khoảng 02km) đã đưa vào sử dụng trong năm 2021. Đường tỉnh 878 kết nối khu vực sản xuất công nghiệp phía Đông Nam huyện Tân Phước với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương sau khi được đầu tư hoàn thành và đấu nối vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tương lai sẽ giúp việc kết nối giao thông với các Khu công nghiệp Tân Phước 1, 2 trên địa bàn huyện sẽ rất thuận lợi.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước khẳng định: Phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn huyện định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo động lực cho sự phát triển một cách toàn diện các ngành kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế theo chủ trương và chính sách của Đảng bộ huyện.
Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang đã đưa vào sử dụng 05 công trình cầu trọng điểm trên địa bàn với kinh phí đầu tư trên 638 tỷ đồng. Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT nhận xét: Việc đầu tư xây dựng công trình 05 cầu trên được đầu tư trên trục giao thông chính của tỉnh tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, công trình cầu Bình Xuân nằm trên Đường tỉnh 863 kết nối Quốc lộ 50 tạo điều kiện cho người dân đi lại của các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Tây rút ngắn thời gian đi Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cầu Ngũ Hiệp nằm trên Đường tỉnh 868 bắc qua cù lao Ngũ Hiệp, đây là tuyến đường tương lai sẽ trở thành quốc lộ kết nối các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp… Các công trình này không chỉ giúp việc giao thông của người dân địa phương thuận lợi mà còn góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa các vùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng của địa phương.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên đầu tư các trục giao thông chính theo phương ngang và phương dọc (các Đường tỉnh 864, 872, 877C, 879... với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) định hướng liên kết vùng, đưa vào khai thác tuyến đường trọng điểm dọc sông Tiền. Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị mở rộng các đô thị trung tâm của 03 vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm: Thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy. Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.