Quảng Ninh: Giao thông liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển

Thứ sáu, 18/03/2022 10:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Để hiện thực hóa quyết tâm này, thời gian qua tỉnh tập trung mở rộng liên kết vùng, dành nhiều nguồn lực, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nhằm kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền.

Năm 2022 tỉnh tiếp tục khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm, liên kết, kết nối vùng, để trở thành tỉnh đa cực, đa trung tâm, phát triển đồng bộ và toàn diện nhất nước.

Giao thông "đi trước, mở đường"

Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Quảng Ninh được xác định là vùng động lực, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Thời gian qua, với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Từ đó hình thành lên chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km, sở hữu cảng tàu khách quốc tế, sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành
công trình Cầu Tình Yêu (TP Hạ Long), ngày 26/1/2022.

Đây đều là những dự án giao thông mang tính chất động lực, nằm tại các trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh. Quảng Ninh có diện tích rộng, nhiều khu vực xa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Trên cơ sở đó, tỉnh đang gấp rút rà soát, đánh giá hiện trạng, bổ sung định hướng quy hoạch phát triển giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới.

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Xác định giao thông "đi trước, mở đường" cho phát triển, để khai thác lợi thế về vị trí chiến lược của Quảng Ninh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền…, với vai trò là cơ quan tham mưu về GTVT, Sở đã tham gia với tỉnh triển khai định hướng phát triển mạng lưới giao thông được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan điểm là tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực. Bởi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững, sớm đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó giai đoạn tới, hạ tầng giao thông Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Trong đó, tập trung nâng cấp, mở rộng, bổ sung xây dựng mới một số tuyến có tính kết nối, nhu cầu vận tải cao; chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển kết nối các vùng đô thị để phân bổ lưu lượng giao thông, tránh nguy cơ ùn tắc, hình thành những “mạch máu” giao thông quan trọng.

Định hướng rõ nét với quan điểm giao thông "đi trước, mở đường” sẽ là cơ sở để tỉnh triển khác các quy hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực trong tỉnh. Từ đó, từng bước hình thành mạng lưới giao thông hợp lý và thống nhất trong toàn tỉnh, có quy mô phù hợp với từng vùng, từng địa phương, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành GTVT.

Thêm nhiều công trình giao thông mới

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là một trong 3 đột phá chiến lược được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025 và lâu dài. Ngay sau Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, tiếp nối những thành công về phát triển hạ tầng, tỉnh triển khai nhiều công trình giao thông mới có tính liên kết cao. Trong đó, tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư,” ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước (dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 58.700 tỷ đồng) như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông.

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ cấp tỉnh đến địa phương, nguồn vốn bố trí kịp thời chính là động lực để các công trình, dự án trọng điểm về giao thông của Quảng Ninh ngay sau khi khởi động đã nhanh chóng “vào guồng” tăng tốc thi công. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thi công hoàn thành trên 30 công trình giao thông. Điển hình như Cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; Cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được đưa vào khai thác, sử dụng trong sự vui mừng phấn khởi của đông đảo nhân dân, sự chúc mừng của các đồng chí lãnh đạo trung ương…

Nối tiếp sẽ là các công trình hoàn thành vào giai đoạn cuối năm nay: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cao tốc cuối cùng để hình thành trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; Cầu Cửa Lục 3, thêm một công trình nối đôi bờ Cửa Lục, khẳng định quyết tâm xây dựng Hạ Long là đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất nước về diện tích tự nhiên và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đóng vai trò kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội… Đây đều là các dự án giao thông mang ý nghĩa “mở đất, mở đường”, các cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực, quốc tế được mở ra, dư địa đất đai được phát huy.


Nhà thầu đẩy nhanh thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Để tăng cường liên kết vùng, kết nối khu vực, Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong quý III/2021 đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều, dài 41,2km, tổng mức đầu tư trên 9.400 tỷ đồng. Tuyến đường có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng trên hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Đồng thời đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn mà mỗi địa phương đang sở hữu, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng phía Tây cũng như hạt nhân đô thị Hạ Long; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư...

Tỉnh cũng đang nghiên cứu để đầu tư đường kết nối Hạ Long - Lạng Sơn và Hạ Long - Bắc Giang, là những tuyến giao thông quan trọng kết nối, liên kết vùng; nhất là kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch Quảng Ninh và Bắc Giang, Lạng Sơn. Đồng thời, giảm thời gian di chuyển từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Hạ Long và ngược lại; giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền, tạo động lực để đồng bào dân tộc các địa phương vùng cao thoát nghèo… Các tuyến đường phù hợp với định hướng mở rộng không gian phát triển về phía Bắc của TP Hạ Long theo định hướng tại Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Sự đổi mới mạnh mẽ với những chiến lược phát triển khác biệt, bền vững của Quảng Ninh thông qua những dự án giao thông mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh. Các dự án giao thông mới hình thành sẽ từng bước phá đi rào cản ngăn cách giữa các vùng miền, không chỉ Quảng Ninh phát triển bền vững, mà còn chia sẻ lợi ích khu vực khi Lạng Sơn, Bắc Giang đến với biển gần hơn. Quảng Ninh đang khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế, nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

kimcuc

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)