Sau hơn 1 năm triển khai thi công, Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm so kế hoạch. Trong điều kiện vừa thi công vừa phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, các nhà thầu vẫn đang nỗ lực vượt khó, đề ra nhiều giải pháp và huy động tối đa nguồn lực để tăng tốc thi công, kịp bù tiến độ.
Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km. Trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài hơn 47 km, được chia làm 2 gói thầu xây lắp số 1 và 2. Dự án được khởi công từ tháng 10/2020, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12,5 ngàn tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7,2 ngàn tỷ đồng. Tổng sản lượng trên toàn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây hiện nay đạt hơn 32% kế hoạch và đã thực hiện cấp phối đá dăm gần 20 km. Riêng gói thầu XL01 và XL02 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, các nhà thầu thi công đã và đang huy động nhân công, máy móc, thiết bị… để tập trung các mũi thi công cầu, đường và hệ thống thoát nước.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải dự án đã triển khai thi công hơn 01 năm, dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tiến độ tổng thể vẫn còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhân lực bị thiếu hụt dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Gói thầu XL01 qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam sản lượng đạt hơn 36 %. Đơn vị thi công đã cam kết tăng cường huy động máy móc, vật tư, nhân lực, tài chính để tập trung thi công đắp đất nền, các nút giao, cầu, hầm chui, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để có mặt bằng thi công bê tông nhựa một số đoạn đầu tuyến. Nhà thầu cũng quán triệt chủ trương có mặt bằng “sạch” đến đâu, tăng tốc đến đó, sẵn sàng các phương án tăng ca, tăng phương tiện, thiết bị trên công trường để đảm bảo tiến độ đề ra.
Anh Vũ Công Tuyến - Đại diện đơn vị thi công gói thầu XL01, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết: Gói thầu số 01 đang được đơn vị tập trung thi công, cơ bản về khối lượng phần nền đường đã đạt hơn 95%, chỉ còn 5% ở phía trên, những khó khăn về thi công nền đường cơ bản đã được giải quyết xong. Hiện tại đang thi công các lớp móng, mặt đường, đồng thời để bù đắp lại những thiếu hụt những chậm trễ trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức các mũi thi công riêng biệt để tránh chồng chéo.
Gói thầu XL02 qua huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân hiện nay sản lượng đạt hơn 30%, đã thực hiện cấp phối đá dăm được khoảng 5 km. Tiến độ thi công được đánh giá là liền mạch với các hạng mục đúc dầm bê tông, nền đường, lên lớp cấp phối đá dăm.... Liên danh nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ triển khai thi đồng bộ trên tất cả các mũi thi công trên công trường, tổ chức thi công khoa học, hiệu quả đảm bảo thời gian theo yêu cầu, kế hoạch nhằm bù lại một phần khối lượng bị chậm trễ trước đó.
Theo ông Nguyễn Viết Lai - Chỉ huy trưởng Liên danh gói thầu XL02, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, gói thầu số 2 có tổng chiều dài 31,3 km, tính đến ngày 28/2, tổng sản lượng gói thầu đạt được hơn 515 tỷ/ 550 tỷ, theo kế hoạch tiến độ của dự án thì chậm 1,8%. Thời gian tới đơn vị sẽ tập trung mở rộng các mũi thi công bê tông nhựa, kết cấu bê tông cấp phối đá dăm, gia cố xi măng..., đẩy nhanh tiến độ quyết tâm đưa dự án về đích theo đúng tiến độ cam kết đối với chủ đầu tư. Hiện nay do thời tiết hanh khô, đơn vị thi công đã chuyển hướng chiến lược thi công, đó là thi công sớm vào buổi sáng và muộn vào ban đêm. Giai đoạn từ khoảng 10h - 14h cho người lao động nghỉ ngơi để tập trung tăng ca, tăng kíp cho ban đêm.
Theo ông Nguyễn Công Hợp - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, ngoài thiếu hụt nhân lực, thì gần đây nhất là tiến độ dự án bị ảnh hưởng bởi giá vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ cho công trường tăng, nhất là xăng dầu, nhựa đường… Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đang xây dựng lại tiến độ, kế hoạch để đáp ứng được yêu cầu của dự án. Dù tiến độ dự án đang chậm, nhưng theo ông Nguyễn Công Hợp, tận dụng thời gian mùa khô, các nhà thầu đang tăng cường các mũi thi công, nhân lực, thiết bị để đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án. Với vai trò là Ban quản lý dự án trực tiếp tại công trường, hiện Ban Quản lý dự án Thăng Long đang tập trung đôn đốc các nhà thầu khẩn trương tăng cường nhân công, thiết bị, mở thêm các mũi thi công nền, móng, mặt đường…để đẩy nhanh tiến độ. Việc tổ chức thực hiện phải bám sát thực tiễn để bảo đảm quy trình, tiến độ, chất lượng, có lộ trình cụ thể cho từng phần việc liên quan.
Trong thời gian qua mặc dù có thời điểm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giao thông vận tải, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, hoàn thành 100% di dời công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã và đang nỗ lực giải quyết dứt điểm những khó khăn trong việc khan hiếm vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công dự án đảm bảo chất lượng theo đúng tiến độ đề ra. Hiện nay, vật liệu đá, đất đắp nền phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh cơ bản được tháo gỡ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ dự án và tăng tốc trong thời gian tới. Các nhà thầu nỗ lực vượt khó để tận dụng tốt khoảng thời gian mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án, phấn đấu đến 30/6/2022 sẽ bù kịp tiến độ.
Thời điểm này là mốc thời gian quan trọng và được xem là giai đoạn nước rút để hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Chủ đầu tư, đơn vị thi công trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang thể hiện quyết tâm cao, dồn lực để đưa dự án về đích đúng tiến độ.