Cầu Rạch Miễu 2 sẽ giảm tải cho cầu hiện hữu và thúc đẩy khu vực phía Đông vùng ĐBSCL phát triển.
Theo ghi nhận, hiện dọc hai bên Quốc lộ 60 thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre hàng trăm quán ăn, quán nước giải khát, hiệu thuốc tây, cửa hàng bánh kẹo… được xây dựng mua bán sầm uất. Đoạn qua thành phố Bến Tre nhiều nhà hàng, khách sạn được xây dựng khang trang. Những công trình nhà xưởng, kho bãi mọc lên tạo công ăn việc làm cho con em quê hương.
Sau 13 năm, xe qua cầu Rạch Miễu tăng gấp 10 lần
Từ khi cầu Rạch Miễu được khánh thành, đưa vào khai thác vào dịp 30/4/2009, kinh tế, xã hội tỉnh Bến Tre đã có nhiều đổi thay rõ nét. Ở Bến Tre có nhiều khu du lịch được xây dựng, thu hút khách du lịch từ nhiều nơi đến tham quan. Thành phố Bến Tre, thủ phủ của tỉnh đã được xây dựng khang trang hơn, không thua kém gì các địa phương khác.
Quốc lộ 60 nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh
đang phát huy hiệu quả về phát triển kinh tế, giao thông thuận lợi
Quốc lộ 60 được mở rộng cũng khiến giá nhà, đất tại các vùng nông thôn tăng theo. Giá đất ở dọc hai bên Quốc lộ 60 khu vực gần cầu Cổ Chiên, phía Bến Tre và Trà Vinh 5 năm trước chỉ tầm 40 triệu đồng/1.000m2 thì nay đã tăng lên 500 triệu đồng/1.000m2.
Không chỉ Bến Tre, các tỉnh nằm dọc Quốc lộ 60 như Trà Vinh, Sóc Trăng cũng có sự phát triển đáng kể khi Bộ GTVT đầu tư, đưa vào khai thác các cầu Hàm Luông, Cổ Chiên để nối thông một phần Quốc lộ 60. Những khu công nghiệp, khu kinh tế đã được đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp về phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, sau 13 năm đi vào hoạt động cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre liên tục quá tải, lượng xe qua cầu tăng gấp 10 lần. Lưu lượng ô tô qua cầu trung bình 21.000 - 22.000 xe/ngày đêm, những ngày lễ, Tết lên đến 27.000 xe/ngày đêm.
Ngay như trong 6 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trạm thu phí cầu Rạch Miễu đã 25 lần xả trạm, với tổng thời gian xả trạm gần 10 tiếng. Thống kê cho thấy trong năm 2021 có 5 triệu lượt ô tô qua cầu Rạch Miễu.
Cầu Rạch Miễu 2 thúc đẩy cả vùng phía Đông ĐBSCL
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 không chỉ có ý nghĩa đối với Bến Tre mà cho cả vùng phía Đông ĐBSCL. “Vì vậy, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ cũng đã quyết định dành 5.175 tỷ đồng đầu tư để cho thấy tầm quan trọng của dự án trong việc liên kết vùng.
Bến Tre đã đề xuất quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường vào cầu Rạch Miễu 2 với khoảng 5.300 ha làm khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sạch, du lịch. Ngoài ra, phía cầu Hàm Luông thuộc địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Bến Tre sẽ phát triển đô thị dọc trên Quốc lộ 60”, ông Tam nói.
Không những vậy, Bến Tre đang phát huy hiệu quả trên dọc tuyến Quốc lộ 60, tiếp tục xây dựng nhiều khu đô thị mới ở hai bên tuyến đường này. Trước đó, tỉnh đã xây dựng nhiều khu công nghiệp như: Giao Long, với trên 100 ha, thu hút hàng trăm công nhân lao động, An Hiệp với diện tích 72 ha, sắp tới có thêm khu công nghiệp Phú Thuận, trên 231 ha với tổng mức đầu tư trên 2.126 tỷ đồng.
Cầu Rạch Miễu 2 là “mắt xích” quan trọng trên tuyến Quốc lộ 60, kết nối các vùng kinh tế của 6 địa phương phía Đông gồm: Tiền Giang đến Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nếu từ Trà Vinh lên TP.HCM theo Quốc lộ 60 sẽ rút ngắn 40km so với đi Quốc lộ 1. Đây cũng là điều kiện để nông sản, hàng hoá của các địa phương thuận tiện hơn trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ, xuất khẩu.
Cầu Rạch Miễu 2 không bắc trực tiếp qua tỉnh Trà Vinh, nhưng ông Dương Văn Ni, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Trà Vinh cho biết, khi người dân tỉnh này nghe tin khởi công dự án đã rất vui mừng. Bởi đối với Trà Vinh, tuyến Quốc lộ 60 có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối hành lang 6 tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL.
Chuẩn bị khởi công dự án cầu Rạch Miễu 2
“Nghe nói cầu Rạch Miễu 2 khởi công, người dân Trà Vinh vui mừng lắm. Từ khi cầu Rạch Miễu đưa vào khai thác năm 2009 đã tạo động lực phát triển cho các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL. Nhiều dự án lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế Định An được xây dựng cũng trên cơ sở hệ thống giao thông được phát triển. Tới đây, khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư, không chỉ về Tiền Giang, Bến Tre mà cả Trà Vinh, Sóc Trăng....", ông Ni nói.
Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết thêm, khi được Trung ương đầu tư nguồn vốn xây cầu Rạch Miễu 2, tỉnh Bến Tre cũng đã năng động trong việc huy động các nguồn vốn khác để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh và kết nối các địa phương khác để phát huy vài trò kết nối giao thông.
Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư các tuyến đường gom để kết nối với cầu Rạch Miễu 2 với tổng kinh phí khoảng 1.158 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Các dự án này sẽ được thực hiện từ năm 2021 đến 2025. Cùng với đó, Bến Tre và Vĩnh Long đã thống nhất báo cáo Chính phủ và được chấp thuận chủ trương cho đầu tư cầu Đình Khao để thay thế phà.
Dự án có tổng nguồn vốn 2.400 tỷ đồng được thực hiện bằng hình thức PPP. Khi dự án được triển khai, tuyến Quốc lộ 57 sẽ được nối thông từ Bến Tre sang Vĩnh Long, tạo thêm một trục kết nối cho các tỉnh phía Đông BĐSCL.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, cầu Rạch Miễu 2 là dự án đã được nhân dân trong khu vực mong mỏi từ lâu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, quy định hợp đồng, thi công đảm bảo chất lượng, an toàn.
Hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận trong công tác GPMB để khởi công dự án đúng tiến độ. "Chúng tôi mong muốn hai địa phương phối hợp để hỗ trợ kịp bàn giao mặt bằng còn lại cho các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ chung của dự án", ông Thi nói.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu ngã tư Đồng Tâm (nút giao QL1 với đường tỉnh 870) thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm cuối khoảng Km 16+660 trên QL60, cách mố cầu phía Bắc cầu Hàm Luông gần 100m thuộc địa bàn thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Chiều dài khoảng 17,6km, trong đó chiều dài cầu dẫn khoảng 2km, chiều rộng trên 20m.
Phần cầu vượt luồng chính sông Tiền được thiết kế cầu dây văng với nhịp chính dài 270m, bề rộng mặt cầu 17,5m. Quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) với vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự án có tổng diện tích thu hồi GPMB trên 62 ha, trong đó, địa bàn tỉnh Tiền Giang hơn 26 ha, Bến Tre trên 35 ha với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 1.279 tỷ đồng.