Những năm qua, huyện Na Rì, Bắc Kạn đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP)… tích cực mở đường vào khu sản xuất cho Nhân dân.
Đường vào khu sản xuất Khuổi Luông, xã Cư Lễ được bê tông hóa tạo điều kiện
thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai
Riêng năm 2021, huyện mở được 13 tuyến đường vào khu sản xuất, như: Đường vào khu sản xuất Lũng Đeng (Văn Vũ), đường sản xuất thôn Phiêng Pụt, Vằng Mười (Trần Phú), đường sản xuất Nà Pì (Liêm Thủy)… với tổng chiều dài hơn 20km, trong đó đã bê tông được 8km. Để mở các tuyến đường này, huyện thực hiện theo hình thức, Nhà nước hỗ trợ vốn, Nhân dân hiến đất làm đường.
Người dân các thôn Pò Rì, Khau An, Khau Ngòa rất vui mừng vì tuyến đường dài hơn 1,5km từ trung tâm xã Cư Lễ vào khu sản xuất Khuổi Luông vừa được bê tông hóa từ sự hỗ trợ của Dự án CSSP, với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng.
Anh Hoàng Ngọc Huân- Trưởng thôn Pò Rì phấn khởi cho biết: Khu sản xuất Khuổi Luông có tổng diện tích hơn 55ha, là đất canh tác lúa, ngô và đất đồi trồng cây lâu năm của 40 hộ dân. Trước đây, chúng tôi gần như không thể canh tác được do đường đi lại không thuận tiện. Chỉ có vài hộ trồng rừng, nhưng cũng không thể vận chuyển ra ngoài vì chi phí vận chuyển cao, tính ra không có hiệu quả kinh tế. Nhà tôi có 2ha keo, nhưng vì trước không có đường nên việc vận chuyển rất khó khăn, mỗi lần khai thác tỉa phải thuê người vác từng cây, trừ chi phí cũng không còn lãi bao nhiêu.
Khi được Nhà nước đầu tư làm đường, bà con rất phấn khởi và hiến hơn 3ha đất để mở đường. Nay tuyến đường đã được bê tông rộng rãi, ô tô vào tận nơi, chúng tôi không còn lo lắng về việc vận chuyển, thu hoạch và bán nông sản nữa. Từ khi hoàn thành tuyến đường, gần 9ha đất canh tác lúa đã được bà con gieo cấy hết, một số hộ bắt đầu khai thác rừng trồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực lao động để phát triển kinh tế, tiếp tục sản xuất trên các diện tích đất trong khu vực này.
Đồng chí Lâm Ngọc Tá- Chủ tịch UBND xã Cư Lễ: Xã có diện tích đất sản xuất tương đối lớn, trong đó có nhiều khu vực sản xuất nằm sâu trong rừng, trước đây đường vào các khu đất này đi lại rất khó khăn, người dân phải tốn nhiều chi phí để sản xuất nông nghiệp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Vài năm trở lại đây, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, xã đã bê tông được 7 tuyến đường vào khu sản xuất ở các thôn Pò Pái, Khau Pần, Nà Dài, Pò Rì, Khuổi Quân, Khau An, Khau Ngòa, với hàng trăm hộ dân được hưởng lợi, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực lao động sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động ở địa phương.
Với người nông dân, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thì việc quan tâm đầu tư mở các tuyến đường vào khu sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế gia đình. Đó là động lực để họ đẩy mạnh sản xuất, mở rộng các diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp mà trước đây khó có cơ hội phát triển, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thời gian tới, huyện Na Rì tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, tăng cường huy động các nguồn vốn, chú trọng công tác xã hội hóa, vận động Nhân dân cùng chung sức mở rộng hệ thống đường giao thông vào các khu sản xuất, nhất là những vùng sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao, vùng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững./.