Với ý nghĩa đi trước mở đường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa, liên kết kinh tế vùng. Giai đoạn 2021 - 2030, hạ tầng giao thông tiếp tục được xác định là khâu đột phá chiến lược, là cơ sở để Điện Biên phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện
và 80% đường xã gắn với xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai những giải pháp đột phá và quyết liệt về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ đó, hệ thống giao thông đô thị được đầu tư, nâng cấp làm cho bộ mặt các đô thị ngày càng khang trang; mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng phát triển, mở rộng, góp phần thu hẹp khoảng cách nông thôn và đô thị. Nếu như năm 2016, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 8.188km (bao gồm các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị, nông thôn) và có 116 xã, phường, thị trấn ô tô đến được trung tâm xã trong các mùa, thì đến nay hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài hơn 9.568km và có 123/129 xã, phường, thị trấn, ô tô đến được trung tâm xã các mùa trong năm.
Trong giai đoạn qua, UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã chuyển 4 tuyến đường tỉnh, đường vành đai biên giới thành hệ thống quốc lộ: Nâng cấp tuyến hành lang biên giới Na Pheo - Si Pha Phìn - Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải thành quốc lộ 4H (bao gồm 2 tuyến nhánh 4H1 và 4H2); tuyến hành lang biên giới Núa Ngam - Huổi Puốc thành quốc lộ 279C; tuyến tỉnh lộ 148B và tỉnh lộ 139 thành quốc lộ 12; tuyến tỉnh lộ 141B phân đoạn Nà Tấu - Mường Phăng thành quốc lộ 279B, với tổng chiều dài gần 404km, đưa tổng chiều dài hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh lên hơn 745km. Từ đó huy động được nguồn lực từ ngân sách Trung ương, đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các tuyến quốc lộ khác. Đến nay tỷ lệ quốc lộ trên địa bàn đạt 41,32%. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, ưu tiên huy động mọi nguồn lực bằng nhiều hình thức để đầu tư kết cấu hạ tầng như: Xây dựng, nâng cấp tuyến đường tỉnh 140 đoạn Huổi Lóng - thị trấn Tủa Chùa; tuyến 141 đoạn Nà Nhạn - Mường Phăng; tuyến 142 đoạn Mường Tùng - Mường Lay; tuyến tỉnh 144 phân đoạn Nậm Mức - Huổi Mí... Đến nay, đường tỉnh đạt 24,9% so với quy hoạch và đường huyện đạt 24,7%. Đặc biệt, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương đang được xây dựng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, làm nền tảng để phát triển trong thời gian tới.
Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được đầu tư tương đối đồng bộ, đan xen, kết nối, liên hoàn với trung tâm các tỉnh, thành phố lân cận, với Thủ đô Hà Nội... đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, đi lại của người dân trên địa bàn, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; còn một số điểm nghẽn, điểm xung yếu như đèo Pha Đin, đèo Tằng Quái; chưa có tuyến cao tốc kết nối tỉnh Điện Biên với Sơn La, Hòa Bình, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Bên cạnh đó, do điều kiện khó khăn về nguồn vốn, một số tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng, hoặc đầu tư nhưng chưa đáp ứng quy mô theo quy hoạch; một số tuyến đường phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, dẫn đến chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, mật độ đường tỉnh, đường huyện rất thấp: đường tỉnh có mật độ 6,34km/100km2, đường huyện là 12,16km/100km2.
Từ nay đến năm 2030, Điện Biên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, trọng yếu; trong đó dự kiến đầu tư một số tuyến có nhu cầu vận tải lớn, có tính kết nối như: Đường cao tốc đoạn Sơn La - Điện Biên, với quy mô 4 làn xe; công trình hầm vượt đèo Pha Đin trên tuyến quốc lộ 6 và đèo Tằng Quái trên quốc lộ 279, kết nối tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vừa qua, UBND tỉnh đã có tờ trình Chính phủ về Dự án Xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Trong đó, giai đoạn I sẽ đầu tư xây dựng tuyến từ TP. Điện Biên Phủ đi nút giao Km15+800 địa phận xã Búng Lao, huyện Mường Ảng với tổng chiều dài 50km. Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu quốc tế Tây Trang nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Điện Biên báo cáo, đề nghị Chính phủ quan tâm, ưu tiên cho tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến đường có vị trí quan trọng, có tính liên kết vùng. Bên cạnh đó, tỉnh phát huy tốt nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương cho giao thông, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư từ nhiều nguồn vốn hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đầu tư liên doanh, liên kết, hợp tác công tư PPP... Đối với phát triển giao thông nông thôn, tỉnh quan tâm đầu tư lồng ghép từ các chương trình dự án, phát huy vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức khác và nguồn vốn vay ODA, WB... vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Đẩy mạnh huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt là đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới. Nâng mức hỗ trợ của tỉnh cho đầu tư xây dựng và cứng hóa đường giao thông nông thôn. Tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông, tạo quỹ đất để bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông và thuận lợi cho việc đầu tư nâng cấp, mở rộng.