Hậu Giang: Phấn khởi đón cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Thứ ba, 17/05/2022 09:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang) là một trong những dự án giao thông trọng điểm đang được tập trung cao độ vào công tác giải phóng mặt bằng.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Hậu Giang khảo sát thực địa một số vị trí đã cắm cọc giải phóng mặt bằng
và các nút giao trên tuyến vào đầu tháng 5.

Người dân phấn khởi

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự kiến được khởi công vào tháng 11/2022. Đoạn qua địa phận tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 63km, chiếm tới 58% tổng chiều dài toàn tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo tiến độ khởi công là áp lực không nhỏ đối với cơ quan chuyên môn. Các địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền từ sớm để tạo sự đồng thuận cao trong dân.

Ông Trần Văn Cho, ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, có khoảng 5.000m2 đất trồng ấu, kết hợp với nuôi thủy sản. Mỗi năm đem về nguồn thu trên 100 triệu đồng. Khi hay tin có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua phần đất của mình, ông Cho không khỏi bùi ngùi. Nhưng càng vui hơn bởi vùng quê sắp đón tuyến đường lớn đi qua.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang đang kết hợp với các địa phương khẩn trương kiểm đếm,

đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Ông Cho bộc bạch: “Khi hay tin miếng ruộng của mình bị ảnh hưởng gần hết, tôi cũng buồn chứ! Nhưng nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ có một con đường cao tốc đi qua vùng nông nghiệp này, tôi thấy vui nhiều hơn. Hôm người ta vào cắm cọc giải phóng mặt bằng, tôi cũng hỏi thử và biết con đường này nối thẳng từ Cần Thơ về Hậu Giang mình rồi đi về Cà Mau, băng qua mấy tỉnh lận. Mấy hôm nay, tôi cũng lân la dò hỏi tìm mua miếng đất nơi khác để canh tác. Giờ tôi chỉ mong sao sớm bồi hoàn thỏa đáng để mình tái sản xuất, niềm vui được nhân đôi”.

Nông dân Huỳnh Văn Quang, ở xã Long Thạnh, cho biết thêm: “Không riêng tôi, nhiều hộ khác cũng vui mừng đón dự án. Tôi có phần đất bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, lúc mấy chú ở địa phương vận động, tôi ủng hộ hết lòng. Chỉ mong sao quê mình phát triển hơn, đường sá ngày càng mở mang, giao thương thuận tiện”.

Sự đồng thuận cao của người dân đối với dự án đã thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng trong thời gian qua được thuận lợi, nhanh chóng. Ngoài việc tích cực giải phóng mặt bằng, 4 huyện có tuyến đi qua là Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ cũng đang quản lý chặt chẽ đoạn tuyến, tránh tình trạng xây dựng chờ giải phóng mặt bằng.

Đây cũng là vấn đề được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao trong các buổi làm việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (qua địa phận Hậu Giang). Trong buổi làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận mới đây, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương giải phóng mặt bằng dự án. Sau khi đã tiếp nhận bàn giao cọc mốc và hồ sơ thiết kế giải phóng mặt bằng đợt 2, Trung tâm Phát triển quỹ đất, các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương kiểm đếm, đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu về tiến độ giải phóng mặt bằng. UBND 4 huyện có tuyến cao tốc đi qua là Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ tích cực tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, tiếp tục tạo sự đồng thuận cao trong dân, quản lý chặt chẽ tình trạng xây dựng đối với đoạn qua địa phận Hậu Giang.

Tập trung cao vào giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, có tổng chiều dài trên 111km. Trong đó, đoạn thuộc Hậu Giang dài khoảng 63km, qua 4 huyện Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ với diện tích thu hồi đất khoảng 420ha và được chia thành 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang, đến đầu tháng 5, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt với chiều dài 47,8km; diện tích khoảng 205,69ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các địa phương đã kiểm đếm cơ bản xong đợt 1. Theo kế hoạch, giải phóng mặt bằng đợt 2 sẽ thực hiện với tổng chiều dài khoảng 31,3km, diện tích khoảng 135ha. Công tác giải phóng mặt bằng đang được gấp rút triển khai để đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của dự án.

Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thì Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao hồ sơ thiết kế và cọc mốc giải phóng mặt bằng đợt 2, đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác kiểm đếm, đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu có khoảng 70% mặt bằng để khởi công vào cuối năm.

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tiến độ triển khai các công tác giải phóng mặt bằng đợt 1 cơ bản đạt yêu cầu. Tính đến đầu tháng 5, công tác bàn giao, tiếp nhận hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng đợt 2 được trên 31km. Như vậy, khối lượng công việc đã tăng thêm gấp đôi so với đợt 1, đòi hỏi sự tập trung và phối hợp cao. Do đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị triển khai công việc tiếp theo để đáp ứng được tiến độ yêu cầu, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20 tháng 11 năm 2022…

Thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo đơn vị tư vấn lập dự án hoàn thiện hồ sơ để trình duyệt và triển khai công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng. Đến nay, hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 2 đã hoàn thiện và triển khai cắm cọc mốc ngoài thực địa. Ban quản lý dự án đã tổ chức bàn giao cọc mốc cho các địa phương đợt 2 với chiều dài 55,27km, nâng tổng số chiều dài tuyến bàn giao là 89,45km (đạt hơn 81% toàn tuyến).

Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đo đạc, kiểm đếm, xây dựng các khu tái định cư; phấn đấu đến ngày 31/12 phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng. Tỉnh, thành có dự án thành phần đi qua chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn, Ban Quản lý dự án xác định các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án qua địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn khảo sát, điều tra kỹ lưỡng về chất lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu, bãi đổ thải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của dự án. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh để chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp với các Ban Quản lý dự án và tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải, cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án.

toanld

Nguồn: Báo Hậu Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)